Ngày 8/10, ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM thông tin với Zing.vn cơ quan thuế vừa truy thu 1,5 tỉ đồng tiền thuế của một cá nhân ở TP.HCM. Cục Thuế xác định người này có thu nhập khoảng 19 tỉ đồng nhờ hoạt động trên Youtube trong 3 năm qua, nhưng chưa kê khai và nộp thuế.
Ông Bình cho biết cơ quan thuế TP HCM đang tiếp tục làm việc với các trường hợp tương tự có thu nhập từ Google, YouTube, Facebook.
Nhiều YouTuber luôn sẵn sàng đóng thuế 7% thu nhập kiếm được từ Google. (Ảnh: Getty).
Thông tin này thu hút sự quan tâm từ cộng đồng YouTube. Bởi từ lâu, việc đóng thuế thu nhập kiếm được trên Internet vẫn còn xa lạ với các kênh YouTube nhỏ, tự phát.
Trong khi đó, những kênh YouTube lớn, chủ kênh thường chủ động đóng thuế. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng chính sách thuế cho thu nhập từ YouTube cần bổ sung để linh hoạt với từng trường hợp.
“Việc đóng thuế 7% thu nhập từ YouTube được tôi thực hiện từ lâu rồi. Cơ bản mình muốn làm việc đúng pháp luật, bền vững. Bên cạnh đó, thuế mà YouTuber Việt Nam phải chịu hiện thấp hơn nhiều quốc gia khác”, Quan Dũng, người có hơn 5 năm làm YouTube tại Hà Nội chia sẻ.
Theo Business Insider, tùy theo bang mà mức thuế dành cho “tất cả thu nhập từ YouTube” tại Mỹ có thể lên đến 30%.
Tại Mỹ, thuế dành cho thu nhập của YouTuber có thể lên đến 30%. (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, luật thuế Mỹ có những mức thu khác nhau. Nếu YouTuber tự đầu tư thiết bị, chi phí, đi lại, máy móc, văn phòng để phục vụ trên 40% cho công việc sản xuất nội dung, họ có thể kê khai để nhận mức khấu trừ thuế. Trong khi tại Việt Nam, mức thuế này chỉ được tính cố định 7% trên tổng thu nhập.
“Thuế nước mình 7% là khá thấp. Nhưng chưa linh hoạt cho từng trường hợp. Có người chỉ quay bằng điện thoại nhưng thu nhập rất cao. Có người lại đầu tư máy móc, diễn viên chuyên nghiệp nhưng thu nhập không cao bằng. Việc tạo ra khung giảm thuế sẽ giúp các nhà phát triển nội dung cảm thấy công bằng hơn. Từ đó, họ mới không chạy theo việc bất chấp mọi thứ để có lượt xem để tăng thu nhập", Nguyễn Hữu Nhật, chủ kênh YouTube Wassup với gần 500.000 đăng kí cho biết.
Ngoài ra, theo ông Nhật, mô hình network sẽ giúp kiểm soát thuế tốt hơn.
Qua theo dõi của Bộ TT&TT, các video clip có nội dung phản động, xấu độc, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong số 130.000 kênh do YouTube trực tiếp quản lý. Có nghĩa, YouTube sẽ chi trả tiền quảng cáo trực tiếp với người sáng tạo nội dung.
“Các kênh nội dung bẩn, hay trốn thuế thường do Google trực tiếp quản lý. Vì vậy, việc phối hợp với mô hình network sẽ giúp nhà nước kiểm soát thuế và nội dung YouTube tốt hơn", ông Nhật đưa ra giải pháp.
Tuy vậy, YouTuber Việt Nam vẫn mong muốn được hỗ trợ các chính sách khấu trừ chi phí sản xuất. (Ảnh: Getty).
Theo ông Nhật, nếu một YouTuber tham gia network, ngoài việc được bảo vệ bản quyền, phân phối nội dung, các đơn vị này cũng hỗ trợ đóng thuế cho YouTuber.
"Cứ tiền Google gửi về là họ đóng thuế luôn cho mình", ông Nhật nói.
Nhưng với những kênh do Google trực tiếp quản lý, YouTuber phải tự mình đi khai thuế. Việc khai thuế này hoàn toàn dựa vào tinh thần tự giác của YouTuber nên dễ sinh thất thoát.
Một số ý kiến lại cho rằng nếu có thu thuế thì đổi lại những YouTuber cần có quyền lợi và được bảo vệ.
“Nếu đã thu thuế, thì đổi lại bằng việc quy định đó có phải là 1 nghề không? Có quyền lợi không? Nếu doanh nghiệp có thể được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích phát triển, thì người làm nội dung cũng là người sáng tạo, đóng góp cho xã hội, cũng cần có chính sách khuyến khích họ.
Đồng thời, hướng dẫn họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm thuế, đi kèm bảo đảm quyền lợi cho họ”, Khiêm Vũ, quản trị viên nhóm cộng đồng làm YouTube lớn nhất tại Việt Nam chia sẻ.