Kiên Giang đặt mục tiêu thành lập 12.000 doanh nghiệp mới vào năm 2025

Trong 2 năm 2024 - 2025, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững. Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chủ động tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 12.000 doanh nghiệp thành lập mới có hoạt động và kê khai thuế; khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 30 - 35% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh; khoảng 35 - 40% trên tổng số doanh nghiệp có hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi số; 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến; khoảng 70 - 80% doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh: Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ chủ động xây dựng chính sách, chuẩn bị nguồn lực cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng với biến động trong tương lai; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững.
 
Mặt khác, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trọng tâm, trọng điểm, đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và kinh doanh bền vững; thúc đẩy hình thành doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng tạo động lực tăng trưởng mới và thực hiện các mục tiêu bền vững.
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn, tới đây tỉnh sẽ khẩn trương, tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư đã được cấp phép, chưa triển khai hoặc đang triển khai nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
 
Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai theo quyết định đầu tư được phê duyệt để sớm hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường. Đặc biệt, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
 
Bên cạnh đo, Cục Hải quan tỉnh chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành có liên quan nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa quy trình thủ tục xuất, nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ giải đáp kịp thời vướng mắc của doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu nhanh chóng, đúng theo quy định của pháp luật, giảm tối đa chi phí, thời gian thông quan hàng hóa, góp phần thu hút hoạt động xuất, nhập khẩu nói chung và xuất khẩu các sản phẩm, các nhóm mặt hàng chủ đạo trên địa bàn tỉnh. Đáng lưu ý, tỉnh hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước.
 
Giám đốc Sở Công Thương Kiên Giang Trương Văn Minh chia sẻ: Thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung, đối tác, nhà cung cấp nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu, phụ liệu linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Cùng đó, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, ứng dụng thương mại điện tử trong tiếp cận thị trường, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kết nối đối tác, thâm nhập thị trường nước ngoài, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin, mở rộng thị trường trong nước.
 
Cũng theo ông Trương Văn Minh, nhằm đạt mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu mặt hàng và thị trường, tránh tình trạng lệ thuộc vào một số thị trường nhất định; liên kết các doanh nghiệp, sử dụng hàng hóa của nhau, giữ vững và chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tỉnh tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội, ổn định việc làm cho người lao động, thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
 
Theo Sở Kế họach và Đầu tư Kiên Giang, trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh thành lập mới 1.254 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký 13.422 tỷ đồng, giảm 19% về số lượng và 39% về vốn so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý, đã có 391 lượt doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 11% so cùng kỳ năm 2022; 223 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể tự nguyện, giảm 7% so cùng kỳ; 771 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ. Đến nay, toàn tỉnh có 12.443 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 205.823 tỷ đồng.
 
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều bất lợi do khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là thị trường bị thu hẹp, thiếu đơn hàng, giá xăng dầu mặc dù có giảm, giá nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí sản xuất, vận tải vẫn còn ở mức cao, sự gia tăng rào cản kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu… tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
chọn
Bất động sản tháng 11/2024: Dự án của Novaland và DIG đón tin mừng, đất Sóc Sơn bị thổi giá 30 tỷ/m2
Trong tháng 11, nhiều KCN trên cả nước được duyệt đầu tư, các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng, Sun Group muốn làm hai khu đô thị hơn 28.000 tỷ ở Bắc Ninh, phiên đấu giá đất của huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) có khách hàng trả giá cao bất thường...