Kiên Giang huy động hơn 26.800 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội

Tỉnh Kiên Giang huy động các nguồn lực khoảng 26.839 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, có rất nhiều dự án hạ tầng giao thông lớn.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Kiên Giang huy động các nguồn lực khoảng 26.839 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đối với đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tỉnh tập trung triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm như: Xây dựng tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua địa bàn tỉnh 17 km; nâng cấp, cải tạo tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi hơn 26 km; hoàn thành đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh 143 km; nâng cấp, mở rộng đường ĐT.963, đoạn quốc lộ 80 - Vị Thanh (Hậu Giang) 41 km.

Tiếp đến, tỉnh hoàn thành các dự án chuyển tiếp, gồm: Đường ĐT.966 (Thứ Hai - Công Sự), đường ĐT.975B (Dương Đông - Cửa Cạn - Gành Dầu và nhánh nối với đường trục Nam - Bắc trên đảo Phú Quốc), đường ven sông Cái Lớn, từ huyện An Biên đến huyện U Minh Thượng, nâng cấp đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy ở U Minh Thượng…

Tỉnh xây dựng mới 7 cầu trên tuyến đường ĐT.964, cầu Mỹ Thái vượt kênh Rạch Giá – Hà Tiên, đường tỉnh ĐT.963B, cầu U Minh Thượng trên đường ĐT.965 và đầu tư một số tuyến đường huyện, đường đô thị.

Tỉnh xây dựng 2.300 km đường giao thông nông thôn; trong đó, xây dựng mới 1.200 km, nâng cấp 1.100 km đường hiện hữu, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn trên địa bàn đến năm 2025 lên 7.652 km, đạt tỷ lệ 80% số km xây dựng đường giao thông nông thôn đã được quy hoạch.

Cùng đó, hạ tầng đường thủy nội địa, tỉnh đầu tư các cảng Hà Tiên, Nam Du, Thổ Châu, Xẻo Nhàu, Rạch Giá và tiếp tục kêu gọi đầu tư hoàn thành Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, Cảng Bãi Vòng và Cảng Mũi Đất Đỏ tại đảo Phú Quốc, Cảng Hòn Chông tại huyện Kiên Lương. Tỉnh cũng đầu tư nạo vét một số tuyến đường thủy quan trọng phục vụ nhu cầu vận tải, nâng cao năng lực vận tải thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Kiên Giang  kêu gọi đầu tư Trung tâm Logistics theo quy hoạch.

Đối với hạ tầng hàng không, tỉnh kêu gọi đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Rạch Giá, TP Rạch Giá; đầu tư đường hạ, cất cánh số 2 và nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Phú Quốc  tại TP Phú Quốc.

Ngoài ra, trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt tại 4 vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn; đầu tư phát triển hạ tầng các điểm tập trung dân cư, vùng sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp, khu và cụm công nghiệp…

Theo đó, tỉnh chủ động lập đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng, huy động các nguồn vốn trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn, các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư.

Tỉnh tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện các dự án, xây dựng công trình, nhất là những công trình trọng điểm.

Mặt khác, tỉnh tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng và thuận lợi.

Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng hữu quan thực hiện hiệu quả việc kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ thủ tục xây dựng cơ bản, chất lượng dự án, thiết kế và chất lượng công trình, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho biết, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ và đầu tư hệ thống giao thông quan trọng có tính liên kết vùng như: Các tuyến cao tốc, nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu trên địa bàn, đường bộ ven biển, các tuyến đường trục theo quy hoạch, hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không.

Tỉnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông dưới nhiều hình thức như: Ngân sách nhà nước bảo gồm cả ODA, xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), hợp tác công tư PPP; chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan… để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi xã hội hóa đầu tư hệ thống cảng, bến đường bộ, đường thủy, thực hiện cơ chế nhà nước giao chủ trương cho nhà đầu tư trực tiếp thực hiện. Tỉnh tăng mức đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông bằng ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ hàng năm đạt 5 - 7% GDP; trong đó, ưu tiên cho những công trình trọng điểm có ý nghĩa, vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh tập trung thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vố ODA, đẩy mạnh vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp ODA để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình lớn, có sức lan tỏa, tạo ra đột phá lớn. 

chọn
Lãnh đạo Everland chia sẻ về dự án HH5 Bắc An Khánh vừa M&A ở khu tây Hà Nội
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch Everland Lê Đình Vinh cho biết, hiện nay tình hình thị trường bất động sản phía tây Hà Nội đang ấm dần, do tập đoàn đang phối hợp với chủ khu đô thị Bắc An Khánh để hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng ô đất HH5 để có thể triển khai xây dựng từng phần ngay trong 2024.