Kiên Giang tập trung phát triển các đô thị động lực

Đến năm 2025, Kiên Giang phát triển 6 đô thị động lực, gồm 2 TP Rạch Giá và Phú Quốc đô thị loại I, TP Hà Tiên đô thị loại II, đô thị Kiên Lương loại III, 2 đô thị loại IV là Giồng Riềng và An Biên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, tỉnh tập trung phát triển các đô thị động lực trên địa bàn, nhằm góp phần thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới. Cụ thể đến năm 2025, tỉnh phát triển 6 đô thị động lực, gồm 2 thành phố Rạch Giá và Phú Quốc đô thị loại I, TP Hà Tiên đô thị loại II, đô thị Kiên Lương loại III, 2 đô thị loại IV là Giồng Riềng và An Biên.

Tỉnh xây dựng TP Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, y tế, khoa học kỹ thuật, dịch vụ du lịch của tỉnh. Đặc biệt, TP Rạch Giá là trung tâm dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại tầm quốc gia và quốc tế, hỗ trợ du lịch cho vùng du lịch trọng điểm quốc gia Phú Quốc – Hà Tiên – Rạch Giá; trung tâm đầu mối giao thông hàng không, đường biển, đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực ASEAN.

Cùng với đó, TP Rạch Giá phát triển đô thị kết hợp với phát triển kinh tế biển tổng hợp và thực hiện các dự án tạo động lực phát triển đô thị như: Khu đô thị mới Phú Cường Hoàng Gia, Khu đô thị mới Phú Quý, Khu đô thị mới Tây Bắc 2, các dự án cải tạo và nâng cấp đô thị, dự án đê biển TP Rạch Giá, Khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Cụm công nghiệp Đông Bắc, tuyến đường ven biển đoạn Rạch Giá – Hòn Đất và Rạch Giá – Châu Thành…

Tiếp đến, tỉnh xây dựng đảo Phú Quốc trở thành TP du lịch biển – đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Động lực phát triển của đô thị Phú Quốc là hòn đảo có diện tích lớn nhất Việt Nam, nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á, trong vịnh Thái Lan, khu vực có đường giao thông hàng hải, hành lang hàng không quốc tế quan trọng giữa Nam Á, Đông Á và châu Úc. Phú Quốc có quan hệ chặt chẽ với các trung tâm du lịch nổi tiếng của ASEAN và thế giới. Vai trò, vị thế mới của Phú Quốc trong mối quan hệ vùng tác động đối với Phú Quốc trở thành một hòn đảo phát triển thịnh vượng, bền vững trong xu hướng mới hướng đến nền kinh tế xanh.

Tỉnh phát triển Phú Quốc trở thành đô thị biển - đảo độc đáo, trung tâm kinh tế du lịch, dịch vụ du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, chất lượng cao của quốc gia và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ tầm cỡ khu vực và quốc tế; đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành; trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học rừng, biển của quốc gia và khu vực; vững chắc về an ninh và quốc phòng. 

Đối với Hà Tiên, tỉnh xây dựng thành phố này trở thành đô thị kinh tế cửa khẩu quốc tế, trung tâm văn hóa - du lịch lớn của tỉnh và khu vực. TP Hà Tiên phát triển là một cực tăng trưởng phía Tây của tỉnh Kiên Giang, đô thị trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vững chắc về quốc phòng, an ninh.

Động lực phát triển của đô thị Hà Tiên là phát triển kinh tế cửa khẩu quốc tế, du lịch cửa khẩu, biển đảo, hang động, di tích lịch sử… Các dự án tạo động lực như: Khu đô thị du lịch biển Hà Tiên, Khu đô thị lấn biển Hà Tiên, Khu công viên đa chức năng kết hợp du lịch sinh thái phường Đông Hồ, Khu đô thị lấn biển Nam Hà Tiên, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bình San, Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên, Khu công nghiệp Thuận Yên, cảng Bãi Nò, cụm cảng Hà Tiên…

Cùng với đó, tỉnh xây dựng thị trấn Kiên Lương là đô thị - công nghiệp có quy mô lớn, hiện đại và trung tâm du lịch cấp tỉnh. Đô thị Kiên Lương là trung tâm hành chính, kinh tế của huyện Kiên Lương, là trung tâm văn hóa, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp… của tỉnh.

Động lực phát triển đô thị Kiên Lương bao gồm: Phát triển đô thị kết hợp với phát triển kinh tế biển tổng hợp, công nghiệp, du lịch biển - đảo, tham quan các di tích lịch sử và danh thắng tại địa phương… Các dự án tạo động lực như: Trung tâm thương mại Ba Hòn, cảng Hòn Chông, Cụm công nghiệp Kiên Lương II, các dự án phát triển đô thị, thương mại dịch vụ và du lịch ven biển… 

Tỉnh xây dựng Giồng Riềng là đô thị vùng Tây sông Hậu, là trung tâm huyện Giồng Riềng, đô thị dịch vụ nông sản của vùng Tây sông Hậu. Huyện Giồng Riềng có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa chất lượng cao. Với vị trí trung tâm của vùng chuyên canh lúa cao sản Tây sông Hậu, kết nối giao thông thuận lợi với các huyện khác trong vùng, tỉnh phát triển Giồng Riềng trở thành trung tâm chế biến nông sản lớn và hiện đại của vùng Tây sông Hậu. Các dự án động lực như: Cụm công nghiệp Long Thạnh, Trung tâm hành chính tập trung khu Đông và khu Tây, dự án chỉnh trang đô thị thị trấn Giồng Riềng, dự án nhà ở thương mại…

Với An Biên, tỉnh xây dựng trở thành đô thị vùng U Minh Thượng, là trung tâm huyện An Biên thuộc hành lang kinh tế ven biển Tây, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng U Minh Thượng. Động lực phát triển của An Biên là phát triển đô thị kết hợp với phát triển kinh tế biển tổng hợp, gồm: Nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch ven biển kết hợp bảo vệ rừng phòng hộ… Các dự án tạo động lực như: Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, Khu công nghiệp Xẻo Rô, Trung tâm hậu cần nghề cá lớn, các cơ sở dịch vụ hỗ trợ cho vùng du lịch rừng U Minh Thượng, tuyến các làng văn hóa ven sông Cái Lớn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho hay, phát triển các đô thị động lực trên địa bàn, tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tạo nguồn vốn. Kết hợp vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ phát triển chính thức ODA, mô hình hợp tác công – tư PPP (BOT, BTO, BT…), vốn vay và vốn của các thành phần kinh tế khác. Tỉnh căn cứ danh mục chi tiết dự án đầu tư, kế hoạch phân bổ nguồn vốn các giai đoạn 5 năm và hàng năm theo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nghị quyết phê duyệt kế hoạch đầu tư công của tỉnh để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình, kế hoạch này.

Theo đó, các sở, ngành, đơn vị có liên quan và huyện, TP triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển đô thị động lực trên địa bàn. Cụ thể là rà soát, điều chỉnh quy hoạch gắn với lộ trình, kế hoạch phát triển đô thị, đảm bảo xây dựng đồng bộ về cơ sở hạ tầng khung; cân đối nguồn lực từ vốn đầu tư công, ODA… để thực hiện các nhiệm vụ, danh mục các công trình, dự án; kêu gọi, thu hút đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm về phát triển đô thị.

 

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.