Kinh Môn: Cát tặc hoành hành, dân phát khóc vì mất đất

Trong khi đất đai màu mỡ của người dân bị nhấn chìm xuống sông thì cát tặc vẫn tiếp tục lộng hành và có dấu hiệu thách thức cả chính quyền huyện Kinh Môn, Hải Dương.

Thời gian gần đây, phóng viên Việt Nam Mới nhận được phản ánh của nhiều người dân huyện Kinh Môn, Hải Dương về tình trạng “cát tặc” đang lộng hành tại địa phương này bất kể ngày đêm.

Trước thông tin trên, chúng tôi đã về địa phương để tìm hiểu sự việc. Đúng như người dân phản ánh, chúng tôi không khó để phát hiện tàu thuyền khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua địa phận huyện Kinh Môn.

Điển hình, lúc 00h00 ngày 15/10, đứng từ đê Đồng Lạc (thuộc địa phận huyện Chí Linh, Hải Dương) nhìn sang phía mặt sông phía bên xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, phóng viên nhận thấy có hai chiếc tàu cỡ lớn đang nổ máy ầm ầm khai thác cát.

kinh mon cat tac hoanh hanh dan phat khoc vi mat dat
Không khó để phát hiện tàu khai thác cát trái phép trên sông Kinh Thầy, đoạn chảy qua huyện Kinh Môn.

Mặc dù đang “hút trộm” khoáng sản quốc gia, nhưng hai chiếc tàu vẫn hiên ngang thắp điện sáng rực cả một khúc sông. Đứng cách xa hàng trăm mét chúng tôi vẫn quan sát rất rõ những vòi hút khổng lồ đang hút cát từ lòng sông lên tàu. Trên thân tàu có ghi rõ tên Công ty CP Đông Hải 27/7 (Công ty Đông Hải).

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty này có trụ sở tại xã Hiệp Sơn, huyện Kinh Môn và không hề được cấp phép khai thác cát hay nạo vét, tận thu sản phẩm trên sông thuộc địa bàn huyện Kinh Môn.

Một lái tàu thường xuyên di chuyển trên khúc sông này thì “cát tặc” thường xuyên xuất hiện tại đây, bất kể ngày đêm. “Gần đây, hầu như đêm nào đi qua đoạn sông này tôi cũng thấy tàu hút cát. Có khi ban ngày cũng có tàu hút,” vị này cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/10, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Kinh Môn.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Liễu – Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, huyện này có sông bao quanh, phần lớn các xã của huyện đều có sông chảy qua.

Tình trạng khai thác cát trái phép đã xảy ra từ nhiều năm nay, gây sạt lở đê kè, đất đai, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Đáng chú ý, xã Phúc Thành vẫn chưa phải khu vực xảy ra tình trạng khai thác cát nhiều nhất, mà phải là xã Tây Ninh, Thất Hùng. Tại các địa phương này, do “cát tặc” lộng hành mà có nơi bãi trồng hoa màu của người dân đã bị sạt lở vào sâu 300m.

“Hoạt động khai thác cát là một vấn nạn rất bức xúc cho không chỉ chính quyền mà cả nhân dân nhiều địa phương, trong đó có Kinh Môn. Vừa qua, tình có chỉ đạo, huyện Kinh Môn cũng đã thành lập ban chỉ đạo. Chúng tôi thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, cùng với tuyên truyền vận động.

Tuy nhiên, hoạt động khai thác cát trộm vẫn xảy ra. Tình trạng này khiến cho huyện chúng tôi bị mất mấy cái bãi, cái thoi rồi. Bờ sông, bến bãi của dân thì sạt lở liên tục,” bà Liễu xác nhận.

kinh mon cat tac hoanh hanh dan phat khoc vi mat dat
kinh mon cat tac hoanh hanh dan phat khoc vi mat dat
Tàu của Công ty Đông Hải 27/7 đang hút cái trái phép.

Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết thêm, thời điểm hiện tại chỉ có duy nhất Công ty TNHH MTV xây dựng Đông Bắc Bộ là được phép nạo vét, tận thu sản phẩm trên sông thuộc địa bàn huyện. Nhưng ngay cả công ty này cũng không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

“Sau khi đơn vị đó được cấp phép thì cũng không chấp hành nghiêm các quy định. Ví dụ như ranh giới đến đâu, được hút đến đâu, bao nhiêu tàu hút, được hút lúc nào… là gần như không chấp hành,” bà Liễu khẳng định.

Nói về trường hợp hai chiếc tàu hút cát trái phép tại xã Phúc Thành mà phóng viên ghi lại được nói trên, bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, vì khi đó lực lượng của huyện không có mặt nên bà không thể khẳng định những tàu đó có phải của Công ty Đông Hải hay không.

Tuy nhiên, bà Liễu tiết lộ, cũng tại vị trí này, cách đây khoảng hai tuần, lực lượng của UBND huyện Kinh Môn có bắt quả tang một chiếc tàu của Công ty Đông Hải đang hút cát.

Khi lực lượng chức năng lên tàu, lái tàu đã nhổ neo, nổ máy kéo cả đoàn công tác của huyện ra giữa sông. Sau đó, cán bộ huyện phải đi nhờ tàu một người dân để vào bờ.

Lãnh đạo Công ty Đông Hải sau đó lý sự rằng, tàu của công ty này đang hoạt động phục vụ làm cảng cho dự án nhiệt điện. Chính vì thế, đoàn công tác của huyện chỉ có thể yêu cầu Công ty Đông Hải hoàn thổ, đổ thuyền cát xuống sông chứ không xử phạt được công ty này.

Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án nhà máy nhiệt điện tại khu vực này đã từ lâu không triển khai. Mọi hoạt động nạo vét luồng lạch, luồng vào cảng… đều phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngay cả khi hoạt động phục vụ dự án, nếu phát hiện khoáng sản, đơn vị thi công phải thông báo với chính quyền địa phương.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Liễu xác nhận, Công ty Đông Hải không có các loại giấy phép nói trên, khi phát hiện khoáng sản cũng không thông báo với chính quyền.

“Thực chất là họ hút cát thôi chứ không phải làm gì cho nhiệt điện. Nhưng họ lấy lý do như vậy nên sau đó chúng tôi chỉ có thể yêu cầu hoàn thổ, đổ hết tàu cát đó xuống sông chứ không xử phạt,” bà Liễu nói.

kinh mon cat tac hoanh hanh dan phat khoc vi mat dat
"Cát tặc" khiến cho đê kè, đất đai của người dân huyện Kinh Môn thường xuyên bị sạt lở.

Cũng liên quan đến tình trạng khai thác cát trái phép, ông Tiến – Phó Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn cho biết, chỉ tính riêng xã Lê Ninh, “cát tặc” đã khiến cho khoảng 1ha đất đai màu mỡ của người dân bị nhấn chìm xuống sông. Tính trên địa bàn cả huyện Kinh Môn thì con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần.

“Đất 03 của bà con màu mỡ như vậy mà cứ dần dần bị sạt lở. Nhiêu nơi người dân phát khóc vì mất đất. Chúng tôi cũng xót xa lắm. Thời gian qua, Ủy ban huyện và các xã đã tích cực dàn quân để ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, sai phép.

Tuy nhiên, dù sao chúng tôi cũng không phải lực lượng chuyên ngành, chuyên môn. Các đội công chức không thể dàn quân ra suốt ngày chỉ để canh. Mà canh như vậy cũng chỉ đẩy đuổi thôi. Có khi phát hiện tàu khai thác cát trái phép, lực lượng chúng tôi đến nơi họ cũng rút mất rồi,” ông Tiến cho biết.

Bà Nguyễn Thị Liễu cho biết thêm, từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng của UBND huyện Kinh Môn đã phát hiện, xử lý được 37 trường hợp khai thác cát trái phép, sai phép, xử phạt hành chính tổng số tiền 299 triệu đồng.

Tuy nhiên, số vụ việc được xử lý chưa phản ánh hết thực tế tình trạng khai thác cát trái phép tại địa phương này.

Cát tặc ngang nhiên hoạt động trong đêm:

Bà Liễu cho rằng, chỉ lực lượng của UBND huyện Kinh Môn là không đủ để dẹp nạn “cát tặc” tại địa phương này.

“Lực lượng công an địa phương, dân quân… đã trường kỳ dàn ra để đẩy đuổi và làm nhiều biện pháp khác nhau. Nhân lực mỏng, lại thường xuyên làm việc cả ngày lẫn đêm, nên đôi khi người dân thông báo có cát tặc cũng không còn sức để đi tới hiện trường. Vì thế, có khi người dân bảo dân quân, công an bảo kê nọ kia. Nhưng thực chất là anh em đã quá mệt mỏi rồi.” bà Liễu nói.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Kinh Môn, nhiều lần nhận được tin báo của người dân, bà cũng trực tiếp tới hiện trường để xác minh. Nhưng cuối cùng cũng không bắt được “cát tặc”.

“Họ có ong ve, chim mồi đủ thứ. Có khi nửa đêm nhận được tin báo của người dân, tôi và đồng chí Phó Chủ tịch liền đi xuống địa phương. Tôi cũng không cho ai khác đi theo. Có nghĩa là không lộ lọt gì thông tin gì để xem người dân nói có đúng hay không.

Đến gần bờ sông, chúng tôi còn phải tắt máy ô tô, rồi lò mò đi bộ xuống rất nguy hiểm. Xuống tới bờ sông, tôi vẫn thấy tàu hút cát lù lù đấy. Nhưng không hiểu sao một lát sau là tàu lại dạt sang bên phía Chí Linh hết,” bà Liễu nói.

Trong suốt buổi làm việc với phóng viên, lãnh đạo UBND huyện Kinh Môn đều tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, chính quyền nơi đây lại chưa đủ điều kiện để giải quyết vấn nạn này. Lãnh đạo địa phương này rất mong các cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh, cấp bộ vào cuộc để cùng phối hợp dẹp yên “cát tặc”.

chọn
Hiện trạng khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994, có vị trí tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Cùng xem hiện trạng dự án này sau 30 năm quy hoạch.