Nếu là chủ nhà hoặc chủ đầu tư, bạn cần phải thường xuyên làm việc với kiến trúc sư trong tất cả các giai đoạn, từ khâu lên ý tưởng thiết kế, nắm bắt ý, phác thảo mặt bằng công năng đến khâu triển khai phối cảnh kiến trúc và triển khai hồ sơ kỹ thuật thi công.
Vậy, câu hỏi được đặt ra ở đây là “Làm thế nào để chọn được một kiến trúc sư thiết kế có tâm và có tầm để đảm bảo hiệu quả và tiến độ công việc?”. Dưới đây là một số kinh nghiệm thuê thiết kế nhà ở mà bạn có thể tham khảo:
Nguyên tắc hàng đầu khi lựa chọn kiến trúc sư thiết kế nhà ở được “gói gọn” trong hai chữ “uy tín”. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều công ty tư vấn thiết kế công trình và thậm chí là các cá nhân tự cung cấp dịch vụ với nhiều mức phí khác nhau.
Song, để tìm ra được một kiến trúc sư uy tín với chuyên môn vững, chủ nhà, chủ đầu tư cần phải xem xét cho thật kỹ lưỡng để đảm bảo công việc được thực hiện một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố uy tín, bạn cũng cần chọn lựa đúng thế mạnh của công ty thiết kế đó. Chẳng hạn như, có những đơn vị mạnh về mảng thiết kế nhà vườn, trong khi các đơn vị khác thì lại chuyên về thiết kế nhà phố với các phong cách kiến trúc khác nhau. Do vậy, bạn phải thật sáng suốt để gửi gắm ý tưởng thiết kế nhà ở của mình đúng nơi, đúng đối tượng.
Trong quá trình tiếp xúc khi trao đổi công việc, bạn cần để ý đến thái độ làm việc của kiến trúc sư thiết kế nhà ở thông qua lời nói và cách ứng xử của họ. Điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều để tránh xảy ra mâu thuẫn trong quá trình làm việc chung.
Hầu hết những người kiến trúc sư thực sự đều có cá tính và khá nhạy cảm. Do vậy, họ cần có được sự thoải mái khi làm việc mà không phải chịu nhiều gò bó, từ đó có thể đưa ra được sự tư vấn nhiệt tình nhất. Song, điều đó không có nghĩa là tất cả đều phải theo ý họ. Với những kiến trúc sư thiếu hợp tác, chỉ muốn làm theo ý của mình, thì tốt nhất là bạn nên cân nhắc không chọn để tránh bất tiện về sau.
Một khi đã “chốt” được kiến trúc sư, điều bạn cần làm là chuẩn bị những yêu cầu thật chi tiết để trao đổi với họ ngay từ đầu. Những nội dung cần đưa ra trong buổi làm việc thường sẽ gồm diện tích, kích thước lô đất và nhu cầu của bạn về ngôi nhà.
Cụ thể, đối với lô đất, bạn có thể mang sổ đỏ hoặc ảnh chụp sổ đỏ kích thước lô đất để kiến trúc sư dễ dàng hình dung trên thực tế. Song song đó, bạn cần nêu rõ một số vấn đề như công năng sử dụng (số tầng, diện tích mong muốn, số phòng,...), yêu cầu về mặt thẩm mỹ (phong cách kiến trúc hiện đại, tân cổ điển, cổ điển,...) và một số yếu tố liên quan đến phong thủy.
Ý tưởng thiết kế sáng tạo là một chuyện, song có đủ năng lực và kinh phí để hoàn thiện không thì lại là một chuyện khác. Chính vì vậy, các chủ nhà, chủ đầu tư cần xác định rõ khoản kinh phí dành cho xây dựng nhà ở để thống nhất vấn đề này với kiến trúc sư ngay từ đầu.
Kinh phí được xem là yếu tố quyết định rất lớn đến khả năng thực hiện của công trình. Với những yêu cầu mà bạn đưa ra, một số kiến trúc sư sẽ có những tư vấn giúp bạn định hình được khoản chi phí vừa vặn để xây dựng theo đúng bản thiết kế, từ đó giúp tối ưu quá trình hoàn thiện công trình.
Thời điểm lý tưởng nhất để thuê kiến trúc sư thiết kế nhà ở là vào khoảng 2- 3 tháng trước khi khởi công. Đây được xem là khoảng thời gian “vàng” để có thể chuẩn bị mọi thứ một cách chỉn chu nhất. Đồng thời, điều này cũng sẽ giúp bạn tránh được những rắc rối, vướng mắc có thể xảy ra trong quá trình thiết kế và thi công nhà ở.
Nói về tiến độ công việc, bạn cần xác định rõ những mốc thời gian gồm, thời gian khởi công công trình, thời gian tiến hành và tiến độ thiết kế. Những thông tin này thực sự cần thiết đối với người kiến trúc sư, giúp họ có phương án làm việc sao cho phù hợp nhất và mang lại những giá trị tốt nhất cho chủ nhà, chủ đầu tư.
Trên đây là một vài kinh nghiệm thuê thiết kế nhà ở mà bạn cần lưu ý để từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất cho công trình của gia đình hoặc công trình do mình đảm nhận.