Kinh tế Việt Nam 10 năm tới sẽ ra sao?

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong 10 năm tới có xu hướng giảm nhẹ dù vẫn duy trì được mức khá.

Nhiều thách thức

Báo cáo tổng quan kinh tế giữa 2019 của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia cho thấy, giai đoạn 2021 - 2030, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi và bất lợi, thời cơ và thách thức đan xen.

Theo đó, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại so với giai đoạn trước. Dự báo mức tăng trưởng đạt được trung bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030 lần lượt là 3,5% và 3,2%.

Tăng trưởng kinh tế sẽ chịu tác động tiêu cực từ cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc đang trong xu hướng ngày một gay gắt và phức tạp. Xu hướng bảo hộ thương mại, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa dân túy tiếp tục cản trở đà tăng trưởng thế giới.

Thương mại thế giới dự kiến tăng trưởng ở mức thấp, từ mức trung bình 4,1% giai đoạn 2021 - 2025, 3,7% giai đoạn 2026 - 2030. Một số nước đối tác quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc được dự báo sẽ có sự hồi phục tích cực do nhiều cải cách được thực hiện trong nước tuy khó có thể tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như giai đoạn trước.

Kinh tế Việt Nam 10 năm tới sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Về tình hình trong nước, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với xu hướng tăng trưởng chậm của lao động do tình trạng già hóa dân số nhanh chóng, tốc độ tăng dân số ngày càng thấp. T lệ dân số trong độ tuổi lao động sẽ theo xu hướng giảm xuống, tốc độ tăng lực lượng lao động sẽ chậm lại.

Vai trò của khu vực ngoài nhà nước và FDI theo xu hướng tăng. Tỉ trọng vốn đầu tư ngoài nhà nước và vốn FDI trên tổng vốn đầu tư sẽ theo xu hướng tăng nhanh, dự kiến sẽ tăng thêm 20% trong vòng 10 năm tới, từ mức 65% hiện nay lên 74% trung bình giai đoạn 2021 - 2025 và có thể đạt 85% trung bình giai đoạn 2026 - 2030.

Bên cạnh đó, nhiều rủi ro tiềm ẩn cũng có thể gây bất ổn kinh tế vĩ mô, tác động gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030.

Đáng chú ý, độ mở tài chính quốc gia cao hơn so với trình độ phát triển của nền kinh tế. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro về khả năng đổ vỡ tài chính cũng như khả năng ứng phó với các biến động lớn có tính bất lợi từ thị trường tài chính thế giới.

So sánh với các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao hơn, từ sau năm 2008, chỉ số hội nhập tài chính (Kaopen) của Việt Nam thậm chí còn cao hơn cả Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Trong khi đó, trình độ phát triển của thị trường tài chính trong nước đang ở mức thấp. Độ sâu tài chính cũng như tính hiệu quả của thị trường tài chính Việt Nam cũng ở mức rất thấp.

Với tốc độ gia tăng nhanh, Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro lớn nếu vẫn duy trì tốc độ bội chi và bảo lãnh Chính phủ như hiện nay, nợ công sẽ vượt trần Quốc hội cho phép (vượt 65% GDP) trong những năm tới.

Trong khi đó, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng đang chậm lại, có thể gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính vĩ mô và tạo ra các khoản nợ công.

Mặt khác, dư địa ngân sách đang ngày càng trở nên mỏng khiến nợ công có thể mất bền vững ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc nhẹ. Nếu tình hình ngân sách hiện nay không được điều chỉnh, hoặc không có lộ trình giảm bội chi ngân sách, lộ trình nợ của Việt Nam sẽ sớm đi vào vùng có rủi ro cao. Từ đó, gây trở ngại cho tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Cùng với đó, tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Sự phụ thuộc vào khu vực này ngày càng rõ nét khi những năm gần đây, tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo chủ yếu là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Sự biến động về sản xuất và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Xu hướng giảm nhẹ

Theo Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức song nhờ tận dụng được tác động tích cực từ xu hướng toàn cầu hoá và kinh tế số, cộng với nỗ lực từ nền kinh tế trong nước, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn tiếp theo sẽ khó có xu hướng chậm lại.

Kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định (lạm phát khoảng 3 - 3,2%), mô hình tăng trưởng kinh tế dần chuyển đổi tuy giai đoạn 2021 - 2025 vẫn chủ yếu vẫn dựa vào những động lực tăng trưởng kinh tế cũ nhưng chất lượng, hiệu quả nền kinh tế được cải thiện hơn.

Chuyển dịch cơ cấu ngành tiếp tục diễn ra mạnh mẽ với sự tăng lên của tỉ trọng ngành dịch vụ trong tăng trưởng (từ 41% lên 44%) và sự giảm xuống rõ rệt của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 14,8% xuống còn 10,5%), theo đó, tỉ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ sẽ tăng lên 79,3% GDP đến năm 2025; năng suất lao động tăng trung bình 6,3%/năm.

Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa 2019 dự báo, trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì được mức khá cao, khoảng 7%; GDP bình quân đầu người dự kiến đạt 4.500 USD vào năm 2025.

Nếu theo tiêu chí phân loại hiện nay của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thể bước vào ngưỡng các quốc gia thu nhập trung bình cao do tiếp tục hưởng lợi từ mô hình tăng trưởng kinh tế cũ nhưng có sự cải thiện về hiệu quả và năng suất.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này sẽ khó có thể được duy trì trong các năm tiếp theo khi động lực cũ đã tới hạn.

Tăng trưởng trung bình giai đoạn 2026 - 2030 sẽ chỉ còn 6,5%/năm. Xu hướng tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại đều được dự báo sẽ thấp hơn so với giai đoạn 2021 - 2025 do nhiều rủi ro và rào cản tăng trưởng ngày càng hiện hữu.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nước mặc dù vẫn theo hướng tích cực nhưng sẽ chậm lại. Năng suất lao động tăng chậm sẽ tiếp tục là rào cản cho tăng trưởng trong giai đoạn này. Chất lượng tăng trưởng chậm cải thiện, động lực tăng trưởng đang ở mức tới hạn là hạn chế lớn cho phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.