Kinh tế Việt Nam: Những con số đáng chú ý 6 tháng đầu năm 2019

Tốc độ tăng GDP giảm, dịch tả heo châu Phi hoành hành làm nông nghiệp khó khăn, cán cân thương mại nhập siêu thấp là những nét nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019.

GDP chững lại ở mức 6,76%

Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng đầu năm 2019 tăng 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,39%, đóng góp 6% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8%; khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.

Tốc độ tăng GDP

Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm so với năm ngoái nhưng vẫn cao hơn so với các năm 2011-2017. (Đồ họa: Tất Đạt).

Trước đó, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm từ 7,1% năm 2018 xuống còn 6,7% trong năm nay và năm sau. 

Dự báo trên được đưa ra trước bối cảnh căng thẳng thương mại thế giới ngày càng leo thang và sự giảm nhịp chung của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Fitch vẫn cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm nay, dịch vụ vẫn là khu vực chiếm tỉ trọng cao nhất (42,04%), theo sau là công nghiệp và xây dựng (34,2%), xếp cuối là nông, lâm nghiệp và thủy sản (13,55%). 

10% đàn lợn bị tiêu hủy vì dịch tả châu Phi

Ngành nông nghiệp gặp khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng với tổng số lợn tiêu hủy chiếm tới 10% tổng đàn, nên giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ dừng lại ở mức 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% cùng kì. Vì vậy, nông nghiệp chỉ đóng góp 0,17% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Dịch tả heo

Dịch tả heo châu Phi khiến Việt Nam mất đi 10% đàn heo và hơn 200.000 tấn thịt heo xuất chuồng. (Đồ họa: Tất Đạt).

Tính đến ngày 25/6/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.389 xã, 458 huyện của 60 tỉnh, thành phố. Đàn lợn của cả nước 6 tháng giảm 10,3% so với cùng kì năm trước. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 6 tháng đầu năm đạt 1.801,2 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kì năm trước.

Trong quý II, khi tình hình dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm tăng mạnh do người dân đã chuyển sang sử dụng thay thế thịt lợn. Sản lượng trứng gia cầm 6 tháng đạt gần 7 tỉ quả, tăng 11,4%, sản lượng sữa bò 6 tháng đạt 508,4 nghìn tấn, tăng 8,2%.

Nhập siêu chỉ 34 triệu USD

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 vẫn đạt mức cao nhất của 6 tháng từ trước đến nay, ước tính đạt 245,48 tỉ USD. 

Tuy nhiên, nhập siêu ở mức rất thấp, với 34 triệu USD (bằng 0,03% tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,72 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,68 tỉ USD.

Tính chung 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 122,72 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kì năm 2018. Xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm so với cùng kì năm trước. 

Riêng xuất khẩu rau quả có tín hiệu tốt, khi lần đầu tiên 6 tháng đầu năm đạt mức trên 2 tỉ USD. 

Có 22 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

XK 6 tháng đầu năm 2019

Các mặt hàng điện thoại, máy tính và dệt, may đều có giá trị xuất khẩu vượt ngưỡng 10.000 tỉ USD. (Đồ họa: Tất Đạt).

Về nhập khẩu, kim ngạch 6 tháng ước tính đạt 122,76 tỉ USD, tăng 10,5% so với cùng kì năm 2018. 

Có 26 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, chiếm 84,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

NK 6 tháng đầu năm 2019

Máy tính, máy móc, thiết bị và vải là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của nước ta. (Đồ họa: Tất Đạt)

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.