Công ty nghiên cứu Ipsos Business Consulting vừa cung cấp báo cáo thị trường cung cầu thịt heo Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, tức trước Tết Nguyên đán.
Ipsos cho rằng thời điểm cuối năm, nguồn cung thịt heo trong nước có thể thiếu đến 500.000 tấn, tương đương 20% nhu cầu. Nguyên nhân do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả châu Phi. Hiện dịch đang hoành hành tại 60 tỉnh thành trên cả nước.
Theo Ipsos Business Consulting, từ nay đến trước Tết Nguyên đán, nguồn cung thịt heo tại Việt Nam có nguy cơ thiếu hụt 500.000 tấn. (Ảnh: Phúc Huy).
Báo cáo cập nhật số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện dịch tả châu Phi đã lay lan tại 60/63 tỉnh, thành. Chỉ còn 3 tỉnh Ninh Thuận, Tây Ninh và Bến Tre chưa xảy ra dịch. Kể từ khi ổ dịch đầu tiên được phát hiện vào tháng 2/2019, dịch đã diễn biến phức tạp, lay lan nhanh tại các tỉnh phía Bắc và là tấn công ồ ạt vào các tỉnh thành phía Nam từ tháng 4 đến nay.
Tổng đàn heo bị tiêu hủy đến nay khoảng 3 triệu con, trong đó, đàn nái cả nước đã giảm tới 30% so với cùng kì. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch tả châu Phi, do thiếu các biện pháp an toàn sinh học.
Ipsos đánh giá đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng thiếu hụt nguồn cung thịt heo. Trong khi đó, do ảnh hưởng của tâm lí chung về việc dịch đang xảy ra và khó kiểm soát nên nhiều người tiêu dùng đã cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn mua và sử dụng thịt heo.
Tuy cả nguồn cung và nhu cầu đều giảm, nhưng mức sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng nhất từ trước đến nay nên theo đánh giá, cán cân cung cầu thịt heo trên thị trường bị chênh lệch mạnh.
Hiện thịt heo tại siêu thị được nhiều người lựa chọn hơn vì an tâm về nguồn gốc, xuất xứ. (Ảnh: Phúc Huy).
Công ty nghiên cứu này cho rằng trước tình hình trên, các xu hướng mới trong tiêu thụ thịt heo là tăng giá bán lẻ, tăng sức mua các loại thịt thay thế, thịt heo có thương hiệu, và đặc biệt là tăng nhập khẩu thịt.
Theo báo cáo của Tổng Cục hải quan, tổng giá trị nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo trong 4 tháng đầu năm đạt 23,58 triệu USD, tăng 6,7 lần so với cùng kì năm ngoái. Nguồn heo nhập chủ yếu từ Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan...
Đây được xem là mức tăng đột biến, kể từ khi dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Việt Nam vào đầu tháng 2 năm nay tại tỉnh Hưng Yên. Sau đó, dịch tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Bắc, mới đây nhất là phía Nam.
Số liệu từ Cục Hải quan cho biết lượng thịt heo nhập khẩu qua các cảng trong 6 tháng đầu năm tăng gấp 4 lần so với cùng kì năm ngoái.
Việc tăng nhập khẩu, cộng thêm việc các hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn, khiến giá bán lẻ thịt heo sẽ tăng mạnh, và tác động đến chỉ số giá tiêu dùng giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau.
Ngoài ra, trước tâm lí bất an, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác và khó tính hơn trong việc lựa chọn thịt heo. Ipsos Consulting cho rằng điều này tạo cơ hội cho các sản phẩm thịt có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng.
Kinh doanh 05:00 | 05/01/2022
Kinh doanh 05:00 | 14/11/2021
Kinh doanh 05:00 | 11/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 05/10/2021
Kinh doanh 05:00 | 03/09/2021
Tiêu dùng 05:17 | 09/06/2020
Tiêu dùng 17:31 | 27/05/2020
Tiêu dùng 21:24 | 26/03/2020