Cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum cho biết ngày 31/8, UBND tỉnh ban hành Công văn 3248/UBND-NNTN chỉ đạo các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 28 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới.
Cụ thể, UBND yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, tạo vùng nguyên liệu ổn định đảm bảo phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và qui trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế.
Hướng dẫn hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không đạt hiệu quả. Rà soát, bố trí quĩ đất phù hợp để giới thiệu doanh nghiệp khảo sát, đầu tư qui hoạch đồng bộ hạ tầng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch, công nghệ tưới tiêu,...).
Đồng thời xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể để phát triển mạnh các hợp tác xã nông nghiệp sản xuất mía liên kết với nhà máy đường; đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển mô hình khuyến nông, xây dựng cánh đồng lớn gắn với thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía; có biện pháp hiệu quả ngăn chặn tình trạng tranh mua, tranh bán, vi phạm hợp đồng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ mía;
Hỗ trợ hình thành các Tổ hợp tác trồng mía tạo cánh đồng lớn để xúc tiến hợp tác liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư phát triển cánh đồng lớn trồng mía ứng dụng công nghệ cao.
Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn liên quan để hỗ trợ hạ tầng vùng sản xuất; giống, vật tư cho các đối tượng chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả tham gia chuỗi liên kết sản xuất mía. Tổ chức phổ biến, tuyên tuyền bằng các hình thức phù hợp, đúng qui định đối với nội dung Chỉ thị số 28 đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn để biết, thực hiện.
UBND giao các cơ quan liên quan rà soát các chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía và qui trình canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành mía ở những vùng có lợi thế.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát đánh giá việc sử dụng các chất bảo vệ thực vật trong sản xuất mía; chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm trong sản xuất đường và sản phẩm từ phế phụ phẩm của ngành đường.
Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra đánh giá chữ đường của Công ty cổ phần Đường Kon Tum theo Qui chuẩn kĩ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu.
Hướng dẫn Công ty cổ phần Đường Kon Tum lập dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mía theo qui định và trình tự thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các qui định, cam kết quốc tế. Tăng cường công tác quản lí thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lí nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh đường và chất tạo ngọt.
Ngoài ra đề nghị Công ty Cổ phần Đường Kon Tum nghiên cứu sản xuất, chế biến mía đường để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.
Chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại doanh nghiệp mía đường theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời theo dõi, thu thập thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh đường trong nước để đề xuất, phối hợp với Sở Công Thương trong việc xem xét điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế....