Từ sách vở, tranh truyện, bút chì màu, đồ chơi đến iPad, ti vi, điện thoại thông minh…rất nhiều bậc phụ huynh đang làm mọi cách có thể để giúp con vui và qua đó dạy con. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu thi thoảng bố mẹ để trẻ có cảm giác buồn chán? Và điều nầy có ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển chung của trẻ hay không?
"Mẹ ơi con chán quá, chẳng có gì để chơi". (Ảnh: The Bump) |
Trẻ có quyền được buồn chán?
Teresa Belton – giáo viên thỉnh giảng tại Đại học East Anglia cho biết bà bắt đầu nghĩ về trẻ nhỏ và sự buồn chán khi bà nghiên cứu về ảnh hưởng của ti vi đến trẻ vào những năm 1990. Những đứa trẻ trong tầm 10-12 tuổi và thường xuyên xem ti vi có trí tưởng tượng nghèo nàn. Từ đó bà tự hỏi có phải một phần do xem ti vi mà bị như vậy. Và đúng thật, kết quả của những nghiên cứu ban đầu cho thấy ti vi có ảnh hưởng nhất định đến trí tưởng tượng của trẻ.
Trước đó, một nghiên cứu khác được thực hiện ở Canada vào những năm 1980, so sánh 3 nhóm trẻ, một nhóm xem 4 kênh ti vi khác nhau, một nhóm chỉ xem 1 kênh và nhóm còn lại không xem gì. Sau hai năm, nghiên cứu kết luận những đứa trẻ trong nhóm không xem ti vi có khả năng tư duy tốt hơn hai nhóm kia.
Nhiều người đánh giá thấp trí tưởng tượng, nhưng nó lại là kỹ năng rất quan trọng. Nó không chỉ mang đến cho trẻ trải nghiệm cá nhân mà còn cần thiết để xây dựng lòng cảm thông với người khác. Từ việc nho nhỏ như tưởng tượng đang đi đôi giày của một bạn khác cũng có ý nghĩa nhất định với sự phát triển của trẻ.
Bố mẹ hầu hết ai cũng sợ con chán và thế là chiếc máy tính bảng được đưa ra để giải quyết ngay vấn đề buồn chán của trẻ. (Ảnh: Law) |
Bố mẹ hầu hết ai cũng sợ con chán, khi con chán thì con sẽ nhõng nhẽo, mè nheo và không hợp tác. Và thế là chiếc iPad, ti vi hay điện thoại được đưa ra để giải quyết ngay vấn đề buồn chán của trẻ.
Vài năm trước đây, Teresa Belton để ý đến một số chuyên gia nói về tầm quan trọng của buồn chán với khả năng sáng tạo, cả với trẻ nhỏ và người lớn. Bà đã phỏng vấn một vài chuyên gia về vấn đề này. Một trong những người đó là nhà văn kiêm diễn viên Meera Syal. Meera Syal cho biết chính sự buồn chán đã giúp cô bắt tay vào công việc viết lách. Tương tự như thế, nhà thần kinh học Susan Greenfield cũng kể về quãng thời gian thơ ấu không có nhiều đồ chơi và thế là cô đành phải vẽ và viết truyện.
Thể thao, âm nhạc và các hoạt động khác có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển thể chất, nhận thức, văn hóa, xã hội của trẻ. Nhưng trẻ cũng cần thời gian cho chính chúng, được tách biệt hẳn với thế giới ồn ào, được buồn chán, được mơ mộng và theo đuổi những suy nghĩ riêng, từ đó khám phá cái tôi ẩn sâu bên trong trẻ.
Vì thế trẻ cần được buồn chán, để tự tìm thấy niềm vui hay hoạt động khác làm trẻ vui. Bố mẹ ngay lập tức đưa thiết bị thông minh cho trẻ chơi đỡ buồn là đã tước đi quyền lợi chính đáng – được buồn chán của trẻ.
Khi trẻ buồn chán, bố mẹ thường cảm thấy mình có tội. (Ảnh: Theasianparent) |
Vậy khi trẻ buồn chán nên làm gì?
Khi trẻ buồn chán, bố mẹ thường cảm thấy mình có tội. Nhưng như đã nói ở trên buồn chán mang lại những ý nghĩa tích cực, chứ không hề gây hại như bố mẹ thường nghĩ. Bố mẹ ở đây đóng vai trò hướng dẫn trẻ. Tuyệt đối không đưa ngay ra giải pháp sẵn có, như thế trẻ sẽ ỷ lại và không thể phát huy khả năng sáng tạo.
Ví dụ khi trẻ chán bố mẹ có thể đưa cho trẻ một chiếc hộp, với trẻ lớn hơn có thể đưa cho trẻ vài tấm gỗ. Chắc chắn trẻ sẽ tự nghĩ ra cách để làm mình vui. Việc làm này của bố mẹ giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng, khả năng nhận thức và các kỹ năng xã hội quan trọng khác.