Những lớp học cao cấp

Cây đàn piano trị giá hơn 2.000 USD, bộ đồ tập múa trị giá vài triệu đồng chỉ là chuyện nhỏ đối với một lớp học VIP. Bởi chỉ tiền học không thôi đã ngốn hơn chục triệu đồng/tháng (2 buổi/tuần). Nhưng đó chưa phải là toàn bộ chi phí…

nhung lop hoc cao cap

Những lớp học nghệ thuật VIP, giá cực "chát" nhưng luôn hút phụ huynh đăng ký cho con

Mộng đổi đời

Anh Thủy, chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương kể, thấy con có vẻ yêu âm nhạc anh đã quyết đầu tư cho con đi học piano. Lớp học mở tại căn biệt thự cao cấp do chính các giảng viên thuộc Nhạc viện TPHCM giảng dạy. Đẳng cấp đầu tiên mà anh Thủy thừa nhận là ngoài học phí cao, trường yêu cầu anh phải mua cho bé cây đàn piano điện trị giá hơn 2.000 USD. “Ban đầu tôi không hiểu sao một cây organ chỉ trị giá chục triệu đã khá ngon rồi, nhưng các thầy cho biết bé học piano thì phải dùng đúng piano mới được. Thôi thì bố mẹ đã dốt âm nhạc, nay đầu tư cho con nên gia đình bấm bụng mua đàn theo hướng dẫn của thầy” - anh Thủy bộc bạch.

Ngỡ như thế đã xong, ai dè khi con theo học còn phải đóng các chi phí khác như góp tiền báo cáo tổng kết sau mỗi khóa học ở khu du lịch 5 sao, lần nào cũng ngót ngét chục triệu. Rồi đi giao lưu với các bạn ở Singapore, 2 cha con phải góp hơn 40 triệu cho chuyến đi. Hơn 6 năm theo học, anh Thủy bỏ chi phí gần cả tỷ đồng mà cũng chỉ thấy con bập bõm được vài bài. “Lỡ đâm lao thì phải theo lao, may mà mình còn gồng được chi phí, khi nào hết sức thì cho con nghỉ” - vị phụ huynh thở dài.

Dù gia đình không phải thuộc hạng đại gia nhưng hy vọng con có thể đổi đời, chị Diệp (ngụ Q.2) cũng đầu tư cho con theo nghệ thuật. Bé gái nhà chị Diệp mới 4 tuổi được chị gửi theo lớp violon tại một trung tâm âm nhạc gần nhà. Học phí khoảng 3 triệu/tháng. Khi vào học, các thầy khen con chị có năng khiếu, cần đầu tư thêm cho cháu về thanh nhạc. Thế là gia đình bấm bụng đóng thêm tiền học thanh nhạc.

Nhưng khi học violon, cháu về kêu đau tay, đau cổ… nên chị chuyển con qua học piano. Thầy piano khen bé có năng khiếu, cần trau dồi tài năng. Nghe bùi tai, 2 vợ chồng bỏ thời gian đưa con đi nghe hoà nhạc, đầu tư dàn máy nghe đĩa nhựa, tìm mua cho bằng được những bản đĩa nhạc giao hưởng thính phòng nổi tiếng… để con cảm thụ âm nhạc, sống trong môi trường nghệ thuật cao cấp.

nhung lop hoc cao cap

Nhưng càng lớn, cô bé càng tỏ ra thờ ơ với âm nhạc. Thấy vậy, chị Diệp lại nhờ một nhạc sĩ có tiếng đến kiểm tra. Ông nhạc sỹ nghe cháu đàn xong thở dài: “Cháu chả có năng khiếu âm nhạc đâu, chỉ nên cho cháu học cho vui thôi!”. Chị Diệp cười như mếu: “Mất cả mấy trăm triệu chỉ vì mấy ông thầy luôn nói con có năng khiếu. Khổ thế! May mà tôi cho con nghỉ sớm, chứ ép học mãi mai mốt có khi khổ cả con”. Chiếc áo quá rộng

Chúng tôi tìm đến một lớp học nhạc được quảng cáo là cao cấp tại TPHCM. Quả thực so với những lớp học nhạc đang mở ra nhan nhản khắp thành phố thì các lớp học cao cấp có dịch vụ đẳng cấp hơn hẳn. Từ phòng ốc sáng choang được thiết kế, trang hoàng đậm chất nghệ thuật cùng các cô tư vấn xinh tươi, luôn ân cần với các bé.

Nhưng đẳng cấp nhất ở trung tâm này là những lời hoa mỹ: “Chúng tôi mong muốn thay đổi, phát triển xã hội và đời sống con người bằng nhiều cách tiếp cận âm nhạc để xã hội tươi đẹp hơn. Chúng tôi tin rằng âm nhạc là sự biến hoá và làm phong phú thêm cuộc sống”; “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng một cộng đồng yêu nhạc đầy sáng tạo với tâm hồn tự do mà mọi người có thể cảm nhận, thưởng thức và trải nghiệm âm nhạc một cách hoàn thiện. Bạn sẽ đạt được trình độ âm nhạc tốt nhất”...

Tuy nhiên, bên cạnh những lời hoa mỹ đầy đẳng cấp đó kéo theo một học phí thuộc dạng... đẳng cấp: 2 triệu đồng/tháng và mỗi khoá học là 3 tháng. Các cháu sẽ phải theo học nhiều khoá theo từng cấp. Lân la hỏi chuyện với phụ huynh đang đón con, chúng tôi mới biết có những cháu đã theo học tới 4 đến 5 năm. Nghĩa là chi phí phụ huynh bỏ ra khá lớn.

Theo nhạc sỹ Xuân Minh, nhiều phụ huynh có ảo tưởng là con mình có năng khiếu âm nhạc, chính vì thế nên họ ráng cho con theo học các khóa học đắt tiền. Thực ra cảm thụ âm nhạc thì đứa trẻ nào cũng có, nhưng để thành tài thì ngoài cảm thụ âm nhạc, các cháu cần có thêm nhiều điều kiện khác như sự đam mê, yêu thích. Nhưng đa số trẻ chỉ háo hức ban đầu và sau đó theo tố chất, thiên hướng trẻ sẽ tự phân tâm.

“Điểm cốt lõi nhiều trung tâm đánh vào là khát vọng, sự ham muốn của phụ huynh muốn biến con thành thần đồng. Điều này khiến cho tuổi thơ của các em bị đánh cắp” - Nhạc sỹ Xuân Minh nhận định.

NSND Đặng Thái Sơn từng chia sẻ, trong âm nhạc, phát hiện được một mầm non khả dĩ đã khó, nhưng chăm bẵm cái mầm ấy thế nào còn khó hơn. Tôi đã chứng kiến không ít thần đồng âm nhạc trên thế giới, được tâng bốc, được chiều chuộng nên tưởng mình là nhất. Và thế là chỉ vài năm sau, thần đồng tắt ngóm”. (Còn nữa)

Hoa hậu Việt Nam Ngọc Hân cho hay, nếu có con sẽ không thích cho con tham gia vào showbiz quá sớm. Vì bản thân cô luôn chú trọng sự hồn nhiên của con trẻ, thích mang lại cho con tuổi thơ trong sáng, không bị vây quanh bởi ánh đèn sân khấu, hào quang phù phiếm. “Hân đã trải nghiệm đời sống này từ khi còn rất nhỏ. Hân cho rằng, cái gì cũng nên cân bằng, nếu cho con tham gia những sân chơi nghệ thuật bổ ích, để trải nghiệm thì rất tốt, còn nếu để cháu dấn thân quá sâu vào những chương trình, chạy show khi còn quá nhỏ sẽ làm mất đi tuổi thơ của con” – Hoa hậu Ngọc Hân bộc bạch.
Người mẫu Thúy Hạnh bày tỏ: “Tôi không muốn con gia nhập showbiz hay bị lôi vào vòng nghệ thuật quá sớm. Sau này bé thích thì cấm cũng không được nhưng giờ con còn nhỏ, cứ để bé sống đúng tuổi thơ”.

XEM THÊM

nhung lop hoc cao cap Giấc mơ... 'thần đồng'

Thay đôi giày bệt bằng đôi giày cao gót, cô bé chừng 5-6 tuổi cùng các bạn tạo dáng trước gương, cô giáo sửa từ ...

chọn
[Photostory] Ngắm đại lộ đắt nhất Nghệ An
Đại lộ Vinh - Cửa Lò được UBND tỉnh Nghệ An được khởi công năm 2011 với tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng (lớn nhất Nghệ An). Giai đoạn 1 dự án đã thông tuyến vào năm 2021. Từ tháng 7/2022 đến nay, giai đoạn 2 tiếp tục được triển khai và dự kiến hoàn thành trong 36 tháng.