Làm sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD đắt hay rẻ?

Xung quanh câu chuyện đầu tư sân bay Long Thành đắt hay rẻ khi so sánh với các sân bay khác trên thế giới là chủ đề được nhiều người quan tâm...
Làm sân bay Long Thành hơn 16 tỷ USD đắt hay rẻ? - Ảnh 1.

CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu

Câu chuyện suất đầu tư của sân bay Long Thành cao hay thấp, đắt hay rẻ đang được nhiều người quan tâm, nhất là khi một số chuyên gia đã có những phát biểu xung quanh tổng mức đầu tư của sân bay này và cho rằng con số 16,03 tỉ USD cho cả 3 giai đoạn là quá lớn khi so sánh với các sân bay Đại Hưng (Trung Quốc), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và Western Sydney (Úc) vừa được xây dựng xong. Vậy sự thật quy mô và tổng mức đầu tư các sân bay trên như thế nào?

Sân bay Long Thành: 16,03 tỉ USD, công suất 100 triệu khách/năm

Quy mô của Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm: 4 đường cất hạ cánh (tức 2 cặp, không phải 2 đường cất hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ đảm bảo công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Chủ trương này đã được Quốc hội khoá 13 thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 và là cơ sở để Chính phủ triển khai nghiên cứu và thực hiện từ đó đến nay.

Cũng theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, tổng mức đầu tư của CHK Long Thành được Quốc hội quy định ở mức 16,03 tỉ USD, trong đó có 673,3 triệu USD chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000 ha.

Tại Nghị quyết 38/2017/QH14, Quốc hội đã chấp thuận tách phần việc bồi thường hỗ trợ và tái định cư khu vực 5.000ha thành một tiểu dự án thành phần riêng do UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách. Chính phủ đã phê duyệt giá trị tổng mức đầu tư cho tiểu dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư này là 978 triệu USD. Như vậy, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng CHK quốc tế Long Thành chỉ còn khoảng 15 tỉ USD.

Sân bay Western Sydney: 27,3 tỉ USD, công suất 82 triệu khách/năm

Đối với CHK Western Sydney (Úc), sân bay này được xây dựng (gồm 3 giai đoạn) nhằm hỗ trợ sân bay Sydney (Kingsford Smith) hiện nay đang dần bị quá tải. Cụ thể, trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách với công suất 10 triệu hành khách mỗi năm trên 1 diện tích 1.780ha. Giai đoạn này bao gồm dọn dẹp mặt bằng, xây dựng 1 đường băng dài 3.700m với các hệ thống đường lăn, nhà ga hàng không, cơ sở hạ tầng và các công trình hỗ trợ.

Giai đoạn 1 được tiến hành từ năm 2018 đến 2025 để có thể bắt đầu đưa sân bay khai thác vào năm 2026. Khi sân bay được mở cửa, dự kiến sẽ phục vụ khoảng 5 triệu hành khách mỗi năm - bằng với số lượng hành khách sử dụng sân bay Gold Coast ngày nay. Sau khoảng 5 năm, con số này có thể tăng lên 10 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay được thiết kế để khai thác loại máy bay lớn nhất đang hoạt động hiện nay là Airbus A380.

Ở giai đoạn 2, sẽ xây dựng đường cất hạ cánh số hai dài 3.700m khi nhu cầu tăng cao. Đường cất hạ cánh số 1 ước tính đạt công suất tối đa vào năm 2052 (khoảng 37 triệu hành khách và 185.000 lần cất hạ cánh của tàu bay mỗi năm).

Tới giai đoạn 3 - giai đoạn dài hạn, cơ sở hạ tầng hàng không sẽ được bổ sung và các khu vực hỗ trợ sẽ được phát triển đến khoảng năm 2064 nhằm nâng cao năng lực, đáp ứng nhu cầu khai thác khoảng 82 triệu hành khách mỗi năm và 370.000 lần cất hạ cánh của tàu bay.

Chính phủ Úc đã cam kết cung cấp 5,3 tỉ đô la Úc (3,8 tỉ USD) trong ngân sách 2017-18 để xây dựng giai đoạn 1 sân bay Western Sydney với công suất 10 triệu hành khách/năm thông qua một công ty mới, WSA Co,. Tổng mức đầu tư cho 3 giai đoạn phát triển của sân bay Western Sydney dự kiến lên tới 38 tỉ đô la Úc (27,3 tỉ USD) cho công suất 82 triệu hành khách/năm.

Sân bay New Istanbul: 38 tỉ USD, công suất 200 triệu khách/năm

Đối với CHK New Istanbul, theo quy hoạch, CHK Istanbul mới có 4 giai đoạn phát triển.

Cụ thể, giai đoạn 1, xây dựng 1 nhà ga công suất 90 triệu hành khách/năm, 3 đường cất hạ cánh độc lập, 8 đường lăn song song, 88 vị trí đậu tàu bay, 3 hanggar, đài chỉ huy bay, các nhà ga hàng hóa và các công trình phụ trợ khác. Sau khi nhà ga hành khách bão hòa sẽ xây dựng thêm nhà ga thứ 2 hoặc 2 nhà ga vệ tinh.

Trong giai đoạn 2 sẽ bổ sung thêm 1 đường cất hạ cánh và 3 đường lăn song song. Giai đoạn 3 sẽ xây dựng thêm 1 nhà ga công suất 30 triệu hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh, sân đậu tàu bay và các công trình phụ trợ khác. Cuối cùng, giai đoạn 4 sẽ xây dựng thêm 1 nhà ga công suất 30 triệu hành khách/năm, 1 đường cất hạ cánh và các công trình phụ trợ khác.

Tổng công suất thiết kế của sân bay Istanbul mới là 200 triệu hành khách/năm và mục tiêu là trở thành 1 trung tâm trung chuyển hành khách quốc tế của thế giới.

Sân bay Istanbul được xây dựng theo hình thức BOT. Việc xây dựng và vận hành sân bay mới đã được thực hiện bởi Tập đoàn Limak-Kolin-Cengiz-Mapa-Kalyon dưới tên của công ty Istanbul Grand Airport (IGA) và các công ty khác. Các giai đoạn của sân bay sẽ được hoàn thành vào năm 2028.

Tổng mức đầu tư cho sân bay Istanbul dự kiến 32,4 tỉ Euro (khoảng 38 tỉ USD). Trong đó, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chi trả khoảng 10,25 tỉ Euro (khoảng 12 tỉ USD) và 22,15 tỉ Euro (khoảng 26 tỉ USD) sẽ lấy từ kinh phí thuê sân bay Istanbul trong vòng 25 năm (đến năm 2043).

Sân bay Đại Hưng (Trung Quốc): 17 tỉ USD, công suất 100 triệu khách/năm

Sân bay quốc tế Bắc Kinh Đại Hưng (PKX), còn được gọi là sân bay mới Bắc Kinh, là sân bay lớn nhất thế giới thời điểm hiện nay. Đây cũng là sân bay quốc tế thứ hai của Bắc Kinh cùng với sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Vị trí của sân bay nằm ở quận Đại Hưng (vùng ngoại ô phía nam Bắc Kinh) là nơi tưởng để phục vụ Thủ đô Bắc Kinh và các khu vực lân cận là Hà Bắc và Thiên Tân.

Sân bay này trọng điểm quốc gia này vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng có tổng mức đầu tư gần 120 tỉ nhân dân tệ (khoảng 17 tỉ USD) với các dự án khác ở ngoại vi có chi phí 330 tỉ nhân dân tệ (46,8 tỉ USD), cho tổng chi phí xây dựng giai đoạn 1 của sân bay Đại Hưng là 450 tỉ nhân dân tệ (63,8 tỉ USD). Trong số 120 tỉ nhân dân tệ đầu tư vào sân bay, chính phủ Trung Quốc tài trợ 80 tỉ nhân dân tệ (khoảng 11,5 tỉ USD), phần còn lại được tài trợ từ các nhà đầu tư khác.

Giai đoạn 1 của sân bay Đại Hưng bao gồm 4 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hình sao biển 5 cánh, rộng khoảng 700.000m2, có khu trung tâm rộng hơn 300.000m2 với công suất 72 triệu hành khách/năm. Sân bay Đại Hưng dự kiến sẽ đón tới 45 triệu hành khách mỗi năm vào năm 2021; 72 triệu khách vào năm 2025 và đạt mức 100 triệu hành khách trong tương lai.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.