Việc Chính phủ cam kết có gói vay hỗ trợ 100 ngàn tỷ với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0, 5 - 1% so với các chương trình cho vay khác thổi “bùng” hy vọng cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, đã 3 tháng trôi qua kể từ ngày có chủ trương, gói vay vẫn “cửa đóng, then cài”. Tắc ở đâu, cơ chế hay rào cản? Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không cẩn trọng, gói vay sẽ trở thành nơi ưu ái “mấy đại gia”.
Bài 1: Doanh nghiệp mừng, ngân hàng lo
Dù 4 ngân hàng lớn đều cam kết đã sẵn sàng nhưng thực tế chưa có đồng vốn nào được giải ngân. Địa phương và doanh nghiệp đều sốt ruột đỏ mắt trông chờ. Vấn đề mấu chốt tắc ở đâu, điều gì đang cản trở gói vay đến với khu vực này.
Còn nhớ, thông tin về gói vay này lần đầu xuất hiện tại một hội nghị của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam trực thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam) do ông Trương Gia Bình làm chủ tịch. Hôm đó, dự hội nghị vào ngày 18/12/2016, sau khi lắng nghe “sáng kiến” và đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ ngành nghiên cứu và cho ra đời gói tín dụng 50-60 ngàn tỷ với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp làm nông nghiệp công nghệ cao vay (NNCNC). Thủ tướng cũng nhấn mạnh, để phục vụ công việc này cần một gói tín dụng ưu đãi với cơ chế vay thuận lợi, thông thoáng nhất... Ít thời gian sau, Thủ tướng cho ý kiến “nâng” hạn mức gói hỗ trợ lên 100 ngàn tỷ đồng...
Chia sẻ với PV Tiền phong dịp đó, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thừa nhận: Gói tín dụng đến bất ngờ cho nên vấn đề tới đây ngành sẽ phải yêu cầu các NHTM lo bố trí nguồn, đặc biệt khi mong muốn của Thủ tướng là nguồn vốn này phải áp dụng lãi suất ưu đãi thấp. “Để có gói vay ưu đãi này, ngân hàng sẽ phải tính toán bố trí nguồn và tự xoay xở”, vị lãnh đạo NHNN khi đó cho hay.
Là người hào hứng và theo đuổi đưa công nghệ cao vào lĩnh vực chăn nuôi lâu nay, ông Lê Quang Thành, Tổng Giám đốc Cty CP Thức ăn chăn nuôi Thái Dương cho rằng, 100 nghìn tỷ là gói vay thương mại, nên thủ tục vay thế nào mới là vấn đề. “Đầu tư NNCNC phải chọn cái gì cụ thể, đầu tư vào phải đủ tầm để cạnh tranh quốc tế, giải quyết được khó khăn thách thức thực tại, chứ không thể cái gì cũng vơ vào là công nghệ cao để đầu tư được”- ông Thành lưu ý.
Còn ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho hay, theo kế hoạch, tập đoàn đã dành quỹ đất để đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong năm nay. “Về quỹ đất chúng tôi có, và tập đoàn đang liên kết với các nhà sản xuất có năng lực vào lĩnh vực này để đầu tư. Chúng tôi sẽ làm mẫu một hai dự án trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng. Về nguyên tắc khi đầu tư phải có nguồn vốn, tuy nhiên muốn tiếp cận vốn phải có dự án, lúc đó mới tính toán về tổng mức đầu tư, hiệu quả. Chúng tôi dự kiến triển khai ở Bình Dương”- ông Thuận nói.
Khu trồng dưa tại TT Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM. |
Đã gỡ vướng xong?
Việc Chính phủ cam kết có gói vay hỗ trợ 100 ngàn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1% so với các chương trình cho vay khác có thể nói đã thổi “bùng” lên hy vọng từ trong chính các DN làm NNCNC. Được biết, đến giờ này, trên bàn làm việc của cả lãnh đạo Chính phủ hay những đơn vị cấp dưới (ví như Vụ các Tổ chức tín dụng các ngành kinh tế - NHNN), hồ sơ đề nghị đã tới tấp bay đến. Với Chính phủ, đề xuất được trình lên từ rất nhiều địa phương, tất cả muốn xin cơ chế ưu đãi làm nông nghiệp công nghệ cao. Với ngành ngân hàng, hồ sơ đề nghị chủ yếu tập trung được vay ưu đãi. “Có hồ sơ đề xuất vay tới cả trăm, thậm chí cả ngàn tỷ đồng”, một lãnh đạo cấp vụ của NHNN bật mí.
Cũng theo vị này, hiện 4 NHTM nhà nước đã xác định sẽ “thắt lưng buộc bụng” lo cân đối có nguồn vốn rẻ hơn một chút cho gói vay này. Tuy nhiên, doanh nghiệp vay vốn cần có thực lực về tài chính và phương án đầu tư mang tính khả thi, chứ ko phải thuê vài hecta nuôi bò rồi xuất sang Trung Quốc thì gọi là nông nghiệp công nghệ cao được. Theo ông lãnh đạo cấp vụ này thì DN phải đáp ứng được yêu cầu, có đầu vào, đầu ra hiệu quả, sản phẩm tiêu thụ trong khu vực, trong nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện “đầu vào” - bộ tiêu chí phục vụ cho gói tín dụng 100 ngàn tỷ đồng đã được bộ này ban hành bộ tiêu chí xác định chương trình, dự án NNCNC, nông nghiệp sạch, danh mục ứng dụng...
Theo bà Thủy, các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phải có tính tổng thể, đặt mục tiêu chung giải quyết chuỗi các vấn đề trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong đó gồm các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với các dự án muốn vay gói tín dụng trên, phải thực hiện trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được cấp thẩm quyền quyết định thành lập khu, công nhân vùng; các dự án của DN đã được Bộ NN&PTNT cấp chứng nhận là DN ứng dụng công nghệ cao. Đối với dự án nông nghiệp sạch, ngoài các dự án đảm bảo các tiêu chí, điều kiện về an toàn thực phẩm, dự án đầu tư mới vào sản xuất nông nghiệp sạch áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cấp quốc gia hoặc quốc tế tương đương như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, IMC…
Theo bà Thủy, hiện hệ thống các tiêu chí đã sẵn sàng, các ngân hàng có thể dựa vào đó để xét nhu cầu vay của các cá nhân, DN với gói 100 nghìn tỷ đồng. Dẫu vậy, bà Thủy cũng cho rằng, do đây là gói vay thương mại, nên các ngân hàng đương nhiên sẽ thẩm định kỹ, phù hợp với đánh giá về mức độ hiệu quả dự án để quyết định cho vay?
Tại cuộc họp bàn việc triển khai những vấn đề xung quanh gói tín dụng 100 nghìn tỷ tuần qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần sớm đưa chỉ đạo của Thủ tướng và nghị quyết Chính phủ đi vào cuộc sống. Phó Thủ tướng lưu ý trong nghị quyết có nói gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao thì phải xác định nội hàm NNCNC là gì? Phạm vi cho vay thì thế nào?