Nơi được tin là mộ Chúa Jesus nằm trong nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, Israel. Ảnh: National Geographic |
Trong video Business Insider đăng hôm 27/10, nhóm chuyên gia tiến hành dỡ phiến đá cẩm thạch dày bao phủ lăng mộ nơi có mặt nền đá từng đặt thi thể của Chúa Jesus trước khi Ngài phục sinh. Đây là lần đầu tiên giới khoa học có cơ hội tiếp cận nơi theo truyền thuyết Công giáo là lăng mộ Chúa Jesus kể từ năm 1555.
"Phiến đá cẩm thạch được nâng lên, chúng tôi rất bất ngờ trước khối lượng vật liệu bên dưới. Sẽ cần những phân tích khoa học chuyên sâu, song cuối cùng chúng ta có thể tiếp cận được nền đá đặt thi hài Chúa Jesus", Fredrik Hiebert, nhà khảo cổ học của kênh National Geographic cho biết.
Sau khi dọn dẹp xong lớp bụi bên dưới phiến đá cẩm thạch, nhóm nghiên cứu bất ngờ phát hiện một phiến đá cẩm thạch khác màu xám khắc hình thánh giá nhỏ. Hiebert cho rằng phiến đá cẩm thạch thứ hai có niên đại từ thế kỷ 12. Phiến đá bị nứt ở giữa và bên dưới nó là một lớp màu trắng. "Tôi không tin đó là mặt giường đá. Chúng tôi vẫn còn nhiều việc cần làm", Hiebert nói.
Phiến đá đặt thi hài Chúa Jesus được bảo vệ bởi công trình Edicule, trong tiếng Latinh có nghĩa là "ngôi nhà nhỏ". Quy trình mở mộ Chúa được tiến hành trong khuôn khổ dự án tôn tạo Edicule do Antonia Moropoulou, chuyên gia vật liệu xây dựng và tôn tạo các đền đài của đại học Công nghệ quốc gia Athens, dẫn đầu."Chúng tôi đang ở trong thời khắc quan trọng của quá trình trùng tu Edicule. Kỹ thuật chúng tôi dùng để nghiên cứu công trình độc nhất này sẽ giúp thế giới hiểu về những phát hiện của chúng tôi như thể mọi người đang ở bên trong mộ Chúa", Moropoulou nói.
Theo Business Insider, khảo sát mộ cổ còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu điều gì khiến Helena, mẹ hoàng đế La Mã Constantine phát hiện ra khu vực mộ Chúa.