Làng sản xuất vàng mã làm một tháng cô hồn ăn cả năm

Tháng 7 Âm lịch là thời điểm các làng nghề chuyên sản xuất vàng mã vào mùa nhất trong năm. Có làng chỉ tập trung đẩy mạnh sản xuất trong dịp tháng cô hồn này rồi sau đó "vừa làm vừa chơi" cả năm.

Tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch) là tháng "hốt bạc"

Khác với những nghành nghề khác thường cho rằng tháng cô hồn là tháng 7 (Âm lịch) hàng năm sẽ đem lại nhiều điều không may mắn, làm ăn không thuận lợi, nghề làm vàng mã lại trái ngược khi đây là thời điểm thị trường vàng mã nhộn nhịp nhất trong năm.

Tại xã Văn Hội và Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội khoảng một tháng trở lại đây đang là dịp cả làng nhộn nhịp làm vàng mã để kịp cung ứng cho thị trường dịp Rằm tháng 7. Từ đầu làng đến cuối làng đâu đâu cũng chất đầy nguyên liệu, các mô hình làm bằng tre để sản xuất vàng mã.

lang san xuat vang ma lam mot thang co hon an ca nam
Bà Bình, chủ cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng liên quan đến vàng mã, luôn tất bật phân chia hàng cho khách. (Ảnh: Gia An)

Bà Bình, chủ cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng liên quan đến vàng mã Bình Minh lớn nhất xã Văn Bình, cho biết: "Từ đầu tháng 6 Âm lịch khách hàng từ các tỉnh khác đã bắt đầu đổ về để nhập hàng, có người nhập vài xe ô tải một lần để mang đi. Khách hàng chủ yếu từ các địa phương khu vực phía Bắc. Họ nhập về để đón đầu thị trường tháng cô hồn (tháng 7 Âm lịch) bởi vào dịp này nhu cầu mua vàng mã của người dân tăng cao.

Về mẫu mã thì dịp Rằm tháng 7 mẫu mã đa dạng hơn nhiều so với dịp Tết. Dịp Tết thường mọi người chỉ mua quần áo, mũ mão, cá chép và tiền vàng. Nhưng rằm tháng bảy thì khách hàng giờ chuộng ô tô, biệt thự, điện thoại, vi tính,... nói chung là trần sao thì âm vậy. Dương thế mọi người dùng đồ đạc gì hay nhà nào có nhu cầu đặt đồ gì đều có thể làm được hết, chính vì thế hàng của Rằm tháng 7 đòi hỏi mức độ tỉ mỉ và giá thành cao hơn", bà Bình nói.

Ông Hoàng Văn Công, chuyên sản xuất các mặt hàng vàng mã ở làng Văn Hội, cho biết: "Năm nay nhà tôi chủ yếu sản xuất các mặt hàng như quần áo, mũ mão, hòn sơn trang và hình nộm các vị quan trong dân gian. Nếu là hòn sơn trang thì làm rất mất thời gian và mất cả ngày mới có thể xong được một bộ với giá bán khoảng một triệu đồng. Ngoài ra, nếu khách đặt thêm xe hơi, nhà lầu thì gia đình tôi cũng nhận. Vào dịp này khách thường đặt trước cả tháng trời vì nếu đặt muộn chúng tôi làm không kịp và cũng không thể nhận được. Vào khoảng giữa tháng 6 Âm lịch là gia đình tôi đã chốt số lượng rồi".

lang san xuat vang ma lam mot thang co hon an ca nam
Quần áo, mũ mão và rất nhiều mặt hàng khác được sản xuất trong dịp này để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. (Ảnh: Gia An)

"Thị trường năm nay khá hơn năm ngoái, lượng khách đặt hàng tăng lên khá nhiều, mặc dù làng nghề quanh năm làm nhưng cũng chỉ làm túc tắc cầm chừng thôi đến những dịp như tháng cô hồn mới là mùa vụ chính của cả năm. Thường thì dịp này nhà tôi làm không hết việc, riêng đợt này thôi nhà tôi đã xuất khoảng hơn một vạn bộ quần áo các loại rồi. Từ giờ đến Rằm tháng 7 còn khoảng gần nửa tháng nữa mà nhà tôi mới kịp trả hơn một nửa số đơn hàng khách đặt. Hiện tại nhà tôi có 8 người làm mà vẫn không kịp.

Năm nay giá các mặt hàng cũng cao hơn năm trước một chút nên mọi người cũng phấn khởi hơn. Thường thì chúng tôi chỉ có hai đợt cao điểm trong một năm là dịp này và giáp tết còn lại là vừa làm vừa chơi, các tháng khác nhu cầu tiêu thụ của người dân thấp. Thu nhập cả năm phụ thuộc vào dịp Rằm tháng 7 là chính", anh Trần Văn Đoàn ở xã Văn Bình chia sẻ.

lang san xuat vang ma lam mot thang co hon an ca nam
Chị Trịnh Thị Lý một tiểu thương ở Hoà Bình về đây nhập hàng để bán, chị cho biết đây là lần thứ hai trong dịp tháng cô hồn năm nay chị nhập hàng. (Ảnh: Gia An)

Cũng theo anh Đoàn xã Văn Bình nhiều năm trước hầu như ai cũng làm nghề vàng mã, đây là nghề chính của xã. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây nghề này dần bị mai một do có nhiều nơi khác cũng sản xuất vàng mã khiến cho thị trường đầu ra khá bấp bênh. Song anh cũng cho biết nếu người nào vẫn theo thì những đợt như này có thể kiếm được vài chục đến cả trăm triệu vì mỗi đồ cũng lãi được từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn với những món đồ to và yêu cầu mức độ tỉ mỉ cao.

Những người làm nghề lâu năm cho biết điều khác biệt giữa dịp rằm tháng bảy và lễ tết là vào dịp này mẫu mã đa dạng hơn, thị trường tiêu thụ rất mạnh những mặt hàng như ô tô, điện thoại, nhà lầu,.... chính vì nhu cầu về các mặt hàng phong phú nên dịp cô hồn hàng năm số lượng đặt hàng của khách tăng vọt cả về mẫu mã lẫn số lượng.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...