Theo quan niệm dân gian, trong ngày Thanh minh, các gia đình sẽ thường cắt cỏ và đắp đất lên phần mộ của những người đã khuất, hay còn gọi là tảo mộ, nhằm bày tỏ lòng thành kính đến các bậc sinh thành.
Thông thường, các gia đình sẽ sắm sửa hai mâm cỗ, trong đó có một mâm cúng tại nhà và ngoài mộ để dâng lên tổ tiên.
Lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà tuy không quy định cụ thể là lễ chay hay lễ mặn nhưng mọi người thường chọn cúng chay để tưởng nhớ đến những người đã khuất. Bên cạnh đó, mâm cúng Tết Thanh minh cũng không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy mà sẽ tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng gia đình mà bày biện, sắm sửa sao cho thành tâm nhất.
Một lễ cúng Tết Thanh minh tại nhà thường bao gồm:
- Xôi chè
- Oản chuối
- Bánh trái
- Gạo muối
- Bỏng
- Trầu cau
- Vàng mã
- Chai nước
Bên cạnh đó, cũng có những gia đình chỉ thắp hương cùng hoa quả, trà và thuốc lá như một cách thông báo với tổ tiên đã khuất về ngày Thanh minh.
Bên cạnh mâm cúng Thanh minh tại nhà thì lễ cúng Thanh minh ngoài mộ cũng vô cùng quan trọng. Bạn cần chuẩn bị một số lễ vật cơ bản sau cho mâm cúng ngoài mộ:
- Bánh kẹo, hoa quả
- Tiền vàng, giấy ngũ sắc, quần áo giấy
- Trầu cau tươi
- Nước sạch, rượu trắng
- Nhang đèn
- Đồ cúng chay hoặc mặn để dâng lên từng phần mộ
Ngoài ra, tùy vào phong tục của từng vùng mà bạn có thể dâng thêm một bộ tam sên gồm một miếng thịt heo, một con tôm hoặc cua và một quả trứng gà hoặc trứng vịt.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật, bạn nên sắp xếp mọi thứ sao cho gọn gàng, chỉn chu. Lễ vật tốt nhất nên bày biện trên các đĩa sạch. Phía dưới cần được lót chiếu hoặc khăn và để tại nơi bằng phẳng trước khi tiến hành nghi thức cúng.
Thông thường thì ngoài việc làm lễ ở mộ thì các gia đình cũng sẽ cúng Thổ Công và Thổ Địa quanh khu vực an táng của tổ tiên. Bởi vậy nên bạn nên chuẩn bị thêm một lễ cúng nhỏ cho Thổ Công, Thổ Địa với đầy đủ trầu cau, nhang đèn, tiền vàng, quần áo giấy…
Dưới đây là cách cúng Tết Thanh minh trong nhà và ngoài mộ mà bạn có thể tham khảo:
Trước khi tiến hành cúng Tết Thanh minh, các thành viên trong gia đình cần dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ, gọn gàng. Bàn thờ tổ tiên nên được quét dọn cẩn thận từ ngày hôm trước. Bên cạnh đó, những người làm lễ cúng nên ăn mặc chỉn chu, gọn gàng.
Mâm cúng sau khi chuẩn bị xong sẽ mang lên trên bàn thờ gia tiên. Một người sẽ thay mặt các thành viên trong gia đình lên thắp hương, vái lạy tổ tiên và đọc văn khấn Tết Thanh minh.
Sau khi làm xong lễ cúng, gia đình chờ cho một tuần hương cháy hết thì có thể hóa vàng, hạ lễ và thụ lộc.
Trước khi ra mộ gia tiên, các thành viên nên chuẩn bị một số vật dụng như xẻng, cuốc để dễ dàng vệ sinh khu vực xung quanh phần mộ.
Thông thường thì khi tới mộ, các bậc trưởng lão, người lớn tuổi trong gia đình sẽ phụ trách việc lễ bái. Mâm cúng Tết Thanh minh được dâng lên mộ phần, sau đó, một người sẽ thắp hương, vái lạy tổ tiên cũng như đọc văn khấn. Trong lúc tiến hành lễ cúng, con cháu xung quanh nên chắp tay vái lạy thành tâm. Bên cạnh đó, ở trong lễ cúng cũng nên hạn chế việc cười đùa, nói chuyện nhằm thể hiện lòng tôn kính với các bậc tổ tiên.
Sau khi cúng xong thì con cháu trong gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp mộ phần và khu vực xung quanh. Nhiều người quan niệm rằng nên cúng lễ trước để xin phép ông bà, tổ tiên thì mới có thể sửa sang, tảo mộ được.
Về phần tảo mộ, đối với ngôi mộ đã được xây cất thì bạn chỉ cần dọn dẹp, cắt cỏ dại xung quanh cho gọn gàng, sạch sẽ. Còn với những phần mộ chưa xây thì các thành viên trong gia đình cũng nên dọn cỏ dại, sau đó đắp thêm đất ở những phần sụt lún cho mộ được cân đối hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên thắp hương cho những phần mộ nằm xung quanh mộ gia tiên như một cách bày tỏ lòng thành kính và sẻ chia với người đã khuất.
Khi hương cháy gần tàn thì gia chủ có thể xin ông bà, tổ tiên để hóa vàng, thụ lộc và vái lạy bề trên lần cuối rồi ra về.