Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Quảng Trị.
Dự án do 3 nhà đầu tư: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore; Công ty cổ phần đô thị Amata Biên Hòa; Sumitomo Corporation.
Dự án được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Trường và xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có quy mô 481,2 ha với tổng số vốn đầu tư là 2.074 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức thực hiện thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng; cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó có chuyển mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật; đảm bảo diện tích đất phải chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện Dự án phù hợp với chỉ tiêu sử dụng đất tại Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 14/11/2018.
Ngoài ra cần tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai và pháp luật có liên quan trong quá trình tổ chức lập, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị; đảm bảo không có tranh chấp, khiếu kiện về quyền sử dụng địa điểm thực hiện dự án; Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Trị yêu cầu Nhà đầu tư thực hiện trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích khác theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp.
Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng trị và các cơ quan liên quan phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; thực hiện các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.
Trước đó, ngày 6/6/2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với liên doanh các nhà đầu tư VSIP - Amata - Sumitomo về dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.
Đến tháng 10/2020, UBND huyện Hải Lăng vừa phê duyệt nhiệm vụ qui hoạch KCN Quảng Trị tại xã Hải Trường và thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
VSIP, Amata và Sumitomo là ba nhà phát triển hạ tầng công nghiệp lớn, có nhiều năm kinh nghiệm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam. VSIP (Singapore) đã xây dựng 9 KCN tại Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Hải Dương, Nghệ An; với tổng diện tích các KCN lên đến 8.500 ha.
Amata (Thái Lan) đang triển khai 4 dự án tại Đồng Nai gồm: Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành khoảng 410 ha, Dự án Thành phố Amata Long Thành và Dự án đô thị dịch vụ Long Thành 1 và Long Thành 2.
Hay mới đây, Sumitomo (Nhật Bản) hợp tác với Tập đoàn BRG Group để triển khai dự án trị giá 4,2 tỷ USD, xây dựng thành phố thông minh có tổng diện tích khoảng 270 ha đất ở huyện Đông Anh, với 7.000 căn hộ chung cư. Tập đoàn này cũng quyết định chi thêm 177 triệu USD để mở rộng 2 khu công nghiệp Thăng Long II và Thăng Long III mà Tập đoàn đã đầu tư ở Hưng Yên và Vĩnh Phúc.