Lộ diện những doanh nghiệp địa ốc phía Nam đang âm thầm 'Bắc tiến'

Nếu như thời gian vừa qua, xu hướng Nam tiến của doanh nghiệp địa ốc diễn ra mạnh mẽ thì thời gian tới, thị trường BĐS miền Bắc hứa hẹn sẽ đón những làn gió mới từ các doanh nghiệp phía Nam. Thực tế, cuộc viễn chinh của các doanh nghiệp địa ốc phía Nam ra các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đã xuất hiện từ nhiều năm trước.

Cuộc viễn chinh phía Bắc

Lộ diện những doanh nghiệp địa ốc phía Nam muốn mở rộng quĩ đất ở phía Bắc - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp địa ốc phía Nam đang có xu hướng Bắc tiến. (Ảnh: Hoàng Huy).

Vài năm trở lại đây, thị trường địa ốc chứng kiến nhiều cuộc di cư mang theo hàng tỉ USD từ Bắc vào Nam của các doanh nghiệp địa ốc. Trong đó, phải kể đến Vingroup, FLC Group, CEO Group, Mường Thanh, Geleximco,…

Trong thời gian tới, làn sóng này kì vọng sẽ có sự đảo chiều. Dự báo của các đơn vị nghiên cứu thị trường như CBRE, Savills hay Batdongsan.com.vn đều chỉ ra rằng, các nhà phát triển bất động phía Nam đang có xu hướng Bắc tiến và nhắm đến thị trường Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn, thị trường miền Bắc nhận được sự quan tâm nhiều và dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển về khu vực này. 

Đồng thời, nhiều nhà đầu tư tại phía Nam đang có xu hướng Bắc tiến do thị trường bất động sản (BĐS) khu vực miền Bắc có nhiều sự lựa chọn hơn.

Vị chuyên gia này cũng tiết lộ, một doanh nghiệp phía Nam là Phú Mỹ Hưng đang có kế hoạch phát triển dự án ở phía Tây Hà Nội.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn Savills Hà Nội cho biết, nhiều tên tuổi lớn ở TP HCM đang có xu hướng tiến ra Bắc.

Có thể kể đến những tên tuổi lớn của thị trường phía Nam đang rục rịch triển khai các dự án như Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 qui mô gần 200 ha, Him Lam với dự án Him Lan Vạn Phúc ở quận Hà Đông.

"Gần đây nhất, thương hiệu Masterise Group, chủ đầu tư dự án Beriver Long Biên, đang tiến vào Hà Nội với các dự án ở Long Biên, Gia Lâm. Họ đang có dấu hiệu triển khai chứ không phải đang trong quá trình nghiên cứu. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ triển khai thêm dự án ở khu vực trung tâm thủ đô", bà Hằng cho biết thêm.

Hay CTCP May - Diêm Sài Gòn dù chưa có động thái triển khai dự án ở Hà Nội nhưng thời gian gần đây cũng gây chú ý khi liên tục thâu tóm quĩ đất tại một số tỉnh phía Bắc.

Đơn cử, tháng 7/2020, liên danh CTCP Bất động sản Mỹ và CTCP May - Diêm Sài Gòn trúng thầu dự án Khu đô thị mới Bảo Hà tại huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai). Dự án có diện tích 42 ha, tổng vốn đầu tư 708 tỉ đồng.

Tháng 5/2020, doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt làm nhà đầu tư dự án Khu dân cư núi Đầu Rồng tại huyện Cao Phong. Dự án này đầu tư có diện tích 9,9 ha và tổng chi phí thực hiện gần 395 tỉ đồng,...

Cơ hội kèm rủi ro khi dịch chuyển thị trường

Thực tế, cuộc viễn chinh của các doanh nghiệp địa ốc phía Nam ra các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội đã xuất hiện từ nhiều năm trước.

Đơn cử, Refico với dự án Watermark cao 19 tầng ở Hồ Tây; Bitexco với khu chung cư cao cấp The Manor ở Mỹ Đình; Kinh Bắc với Toà nhà thương mại văn phòng Kinh Bắc Hà Nội; Phú Long với dự án Spendora, Bắc An Khánh; Trung Thủy với loạt dự án mang thương hiệu Lancaster ở khu vực hồ Giảng Võ (Ba Đình) và đường Láng (Đống Đa),...

Theo bà Hằng, để đánh giá thành công của các chủ đầu tư phía Nam tại thị trường Hà Nội vẫn còn quá sớm. Các chủ đầu tư từ TP HCM sẽ cần cân nhắc tâm lí khách hàng và xem đây là một trong những thách thức lớn, vì họ có thể chưa hiểu tường tận về nhu cầu và thị trường bất động sản Hà Nội, cụ thể là về giá.

Tại TP HCM, những dự án tại trung tâm TP có thể trên 10.000 USD/m2. Còn ở Hà Nội, những dự án như vậy rất ít và rất khó bán. Do đó, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong phát triển bất động sản nhà ở, nhưng thấu hiểu thị trường Hà Nội để đạt được thành công là một thử thách với các chủ đầu tư này.

Ở góc độ đầu tư, bà Hoàng Nguyệt Minh, Phó Giám đốc Bộ phận Tư vấn Đầu tư, Savills Hà Nội cho biết, tại thị trường Hà Nội, các chủ đầu tư từ TP HCM lại không có nhiều lợi thế.

Bởi lẽ, đa phần các dự án nhà ở Hà Nội được đầu tư bởi các chủ đầu tư xuất phát từ Hà Nội và chất lượng thị trường chung cư nhà ở Hà Nội có phần thấp hơn so với TP HCM.

"Cái khó khăn lớn nhất của các nhà đầu tư từ TP HCM là tìm kiếm các dự án tiềm năng và cơ hội hợp tác với chủ đất tại Hà Nội. Để khắc phục điều đó, các nhà đầu tư đang đưa ra các cấu trúc giao dịch linh hoạt hơn, đẩy mạnh ưu thế về tính sáng tạo trong phát triển dự án để khuyến khích cơ hội hợp tác với các chủ đầu tư tại Hà Nội", bà Minh nhận định.

Còn theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Hà Nội, các chủ đầu tư phía Nam sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng và phân bổ nhân sự phát triển dự án tại phía Bắc. Vấn đề nhận diện thương hiệu cũng sẽ là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp địa ốc phía Nam khi dịch chuyển thị trường.

Theo vị chuyên gia này, mặc dù một số chủ đầu tư đã xây dựng tên tuổi của mình tại thị trường phía Nam nhưng tại phía Bắc thì họ chưa được biết đến nhiều. Do đó, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc quảng bá cũng như gây dựng niềm tin cho người mua nhà.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.