Lo ngại khiếu kiện nếu Hà Nội có cơ chế đặc thù để thu hồi đất

Đại biểu Trần Văn Lâm lo ngại khiếu kiện nếu UBND cấp huyện tại Hà Nội được cưỡng chế, thu hồi đất cho dự án chỉnh trang đô thị khi 2/3 hộ dân đồng ý.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 26/3 góp ý xây dựng dự Luật Thủ đô sửa đổi trước khi trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.

Dự thảo luật mới nhất quy định dự án cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị được thực hiện trên cơ sở chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tự nguyện điều chỉnh đất đai theo quy định pháp luật. Trường hợp không thống nhất được thì trong một năm từ ngày UBND thành phố phê duyệt dự án, UBND cấp huyện quyết định lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bố trí chỗ ở tạm thời nếu được ít nhất 2/3 chủ sở hữu nhà ở, người sử dụng đất thuộc phạm vi, ranh giới dự án đồng ý.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng đây là vấn đề lớn, từng gây tranh cãi khi sửa đổi Luật Đất đai. Khu dân cư có đến 1/3 hộ gia đình không đồng tình với dự án mà cho cấp quận tổ chức cưỡng chế để giải phóng mặt bằng "sẽ gây tác động xã hội cực kỳ lớn, nhất là vấn đề khiếu kiện".

Ông Lâm đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, đánh giá kỹ tác động chính sách để tránh hệ quả phức tạp, nhất là khi cấp ra quyết định cưỡng chế chỉ là quận, huyện.

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Trần Văn Lâm. (Ảnh: Phạm Thắng).

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân, lại cho rằng việc cấp quận, huyện được thu hồi đất với dự án chỉnh trang đô thị không phải là mới. Song điểm đặc biệt ở dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi là "tỷ lệ người dân đồng tình 2/3 thì được thu hồi đất".

Theo ông Cường, nếu như bắt buộc 100% người dân đồng tình mới được thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để chỉnh trang đô thị thì rất khó triển khai. Ví dụ một hộ dân ở tầng một nhà chung cư cũ không đồng tình thì cả tòa nhà dù có sập cũng không phá được. "Đô thị đặc biệt như Thủ đô phải có chính sách đặc biệt, đây là việc cần thiết. Nếu không quy định cụ thể sẽ không cải tạo được", ông Cường nói.

Theo đại biểu đoàn Hà Nội, đề xuất này cũng không gây khiếu kiện khi dự thảo nêu rõ chỉ thực hiện với dự án chỉnh trang đô thị, không phải thu hồi đất nông nghiệp của người dân để thực hiện dự án thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh đó, Luật Thủ đô cũng nêu rõ Hà Nội được quyền quyết định cơ chế, chính sách cao hơn bình thường, có nghĩa thành phố cũng được quyền đền bù cao hơn, đảm bảo thỏa đáng hơn cho người bị thu hồi. "Không được dùng quy định 2/3 hộ dân đồng ý để tạo sức ép, buộc người dân phải nhận chế độ thấp hơn", ông Cường nêu quan điểm.

Theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước được thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật để xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang đô thị; dự án khu dân cư nông thôn.

Điều kiện thu hồi đất là dự án có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; có quyết định đầu tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; hoàn thành việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và việc bố trí tái định cư.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.