Lộ sai phạm của Đường sắt Việt Nam tại 2 khu đất vàng giữa Thủ đô

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đã lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện trái chủ trương, quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu.

Đó là một phần trong nội dung được Thanh tra Chính phủ kết luận về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ chủ quản bị qua mặt?

Nhiều sai phạm của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về việc quản lý kinh doanh, sử dụng vốn, tài sản, đất đai đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra. Trong đó, có sai phạm liên quan đến 2 khu đất vàng giữa Thủ đô.

Cụ thể, theo Thanh tra Chính phủ, thời điểm 1/2013 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đang quản lý sử dụng 2 thửa đất giáp nhau có địa chỉ tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Về thủ tục pháp lý, thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đang quản lý sử dụng theo nguyên trạng do hết hạn hợp đồng thuê đất từ 19 năm trước và chưa có thủ tục thuê lại, thửa đất 22 Phan Bội Châu còn thời hạn thuê 2,5 năm.

Sau khi hết hạn hợp đồng liên danh với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn vào tháng 10/2012, ĐSVN có chủ trương góp vốn bằng tài sản và giá trị thương mại quyền thuê sử dụng đất để thành lập pháp nhân mới đầu tư khách sạn.

Đối tác được lựa chọn là Công ty TNHH MTV Hà Thành và đã được sự thống nhất của Bộ GTVT để xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư.

tin nhap 20160901113034

Vị trí khu đất vàng tại 80 Lý Thường Kiệt được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam góp vốn trái quy định

Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết ĐSVN không xây dựng phương án thành lập pháp nhân mới, phương án đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT nhưng vẫn tiến hành ký biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH MTV Hà Thành. Đồng thời, thuê thẩm định giá, đàm phán vốn gốn, làm thủ tục đăng ký kinh doanh, bàn giao tài sản nhà đất.

Hội đồng thành viên ĐSVN đã quyết định giá trị vốn góp là 47 tỉ đồng thiếu cơ sở, trong khi ĐSVN thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỉ đồng. Trong vấn đề này, Thanh tra Chính phủ xác định “Bộ GTVT đã không nắm được”.

Sau đó, Bộ GTVT đã yêu cầu báo cáo giải trình về cơ sở xác định giá vốn góp nhưng đến nay chưa xử lý gì. Sau khi đi vào hoạt động, 6 tháng cuối năm doanh nghiệp lỗ 588 triệu đồng và 9 tháng đầu năm 2014 lỗ 2,5 tỉ đồng.

Trái quy định của Chính phủ

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, ĐSVN quản lý sử dụng cơ sở kinh doanh khách sạn trên 2 diện tích đất ở vị trí thuận lợi hàng đầu, có giá trị trên thị trường là rất lớn. Bản chất là ĐSVN kêu gọi đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư để khai thác cơ sở kinh doanh đang quản lý sử dụng chứ không hẳn là góp vốn với đối tác.

“Do đó phải thực hiện đấu giá, đấu thầu để đảm bảo minh bạch, tránh thất thoát tài sản và lựa chọn được nhà đầu tư tốt nhất.Tuy nhiên, ĐSVN đã thực hiện thủ tục góp vốn thành lập doanh nghiệp mới để thỏa thuận đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao. Đối tác được lựa chọn chưa có khả năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn” – Thanh tra Chính phủ xác định.

Chưa hết, ngay sau khi có thỏa thuận góp vốn, ĐSVN đã gấp rút đứng tên thực hiện thủ tục thuê đất rồi thanh lý hợp đồng thuê đất để chuyển quyền thuê cho doanh nghiệp góp vốn với lý do tài sản trên đất đã mang đi góp vốn. Việc chuyển giao này không thực hiện theo quy định về đấu thầu, đấu giá.

Thậm chí, đến nay Dự án đầu tư kinh doanh khách sạn 4 sao chưa triển khai thì ĐSVN đã có chủ trương thoái vốn để nhượng lại toàn bộ cơ sở kinh doanh cho đối tác.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của ĐSVN trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27.9.2011 của Chính phủ, trái với quy định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 – 2015.

Đồng thời, việc góp vốn này cũng sai quy định của Luật đất đai về quyền của người sử dụng đất vì khi đó thửa đất 80 Lý Thường Kiệt đã hết hạn hợp đồng thuê đất từ 28.8.1996 chưa có hợp đồng thuê lại.

Thanh tra Chính phủ kết luận: “Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, đầu thầu” .

Trong vấn đề này, Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát ĐSVN trong việc góp vốn bằng tài sản và quyền thuê đất tại 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu.

Theo kết luận được Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ký, cơ quan này đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp Bộ GTVT, Bộ TNMT, UBND TP Hà Nội rà soát lập phương án sử dụng đất tại hai địa chỉ nêu trên đảm bảo có hiệu quả, đúng pháp luật, không để thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.