Theo ông Nguyễn Đức Chung, có ý kiến người dân cho rằng, loa thường phát thông tin ngắn vào thời gian mọi người đã đi làm nên chỉ “toàn cụ già với trẻ con nghe”. Ảnh: Đoàn Lê |
Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nói “Loa ở thời kỳ bao cấp rất có tác dụng. Còn thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, thành phố có nhiều phương thức khác phục vụ nhân dân, ví dụ như cung cấp chỉ số môi trường qua mạng internet… Liệu loa còn phù hợp không”.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, có ý kiến người dân cho rằng, loa thường phát thông tin ngắn vào thời gian mọi người đã đi làm nên chỉ “toàn cụ già với trẻ con nghe”.
Để rộng đường dư luận, PV đã có trao đổi với một số nhà Hà Nội học, xã hội học để làm rõ nội dung này.
Nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến: "Bỏ loa phường nội đô, giữ ở ngoại thành"
Liên quan đến ý kiến của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, PV đã có trao đổi với nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến (Nhà văn, nhà báo, tác giả viết về Hà Nội nhiều nhất hiện nay). Theo ông Tiến: "Loa phường có sau khi giải phóng thủ đô (1954). Lúc đó đài truyền thanh được thành lập và đã mắc rất nhiều loa. Thời bấy giờ loa có tác dụng rất tốt, ngoài các tin tức thời sự thì còn thông báo những thứ rất cần thiết cho người dân như tem phiếu thế nào gạo mua ra sao...".
Không chỉ cung cấp tin tức, ông Tiến cho biết, loa còn thông báo các chế độ chính sách với người dân và giải trí. "Phải thừa nhận rằng rất nhiều ca khúc mà những người như chúng tôi bây giờ thuộc đều thông qua hệ thống loa này. Ngoài ra, trong những năm chiến tranh, loa còn thêm nhiệm vụ báo động", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, ngày trước, loa phường có tác dụng thông tin tốt vì báo chí chưa phát triển. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây, nhiều người phàn nàn rằng loa phường không còn phù hợp nhất là những gia đình có người cao tuổi hoặc cháu bé vì công suất loa rất lớn.
"Về phía cá nhân tôi thì thấy loa phường không còn tác dụng nhiều bởi hiện tại các phương tiện truyền thông rất nhiều, người dân có thể cập nhật thông tin bằng nhiều hình thức khác "nhẹ nhàng" hơn thay vì phải nghe tiếng loa công suất lớn", ông Tiến chia sẻ.
Về việc nên giữ hay bỏ, ông Tiến cho rằng trong nội đô, khu đông dân cư thì nên bỏ. "Tuy nhiên, ở những xã ngoại thành thì loa vẫn còn tác dụng như thông báo chính sách, họp dân cư hay phục vụ nông nghiệp...", nhà "Hà Nội học" Nguyễn Ngọc Tiến nêu quan điểm.
Loa phường đã lỗi thời, phản cảm? Ảnh: TTVH |
TS Trịnh Hòa Bình: "Loa phường đáng được tôn vinh nhưng đã... lỗi thời"
TS Trịnh Hòa Bình Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, hệ thống truyền thanh công cộng trong suốt nửa thế kỷ qua đã giữ một vai trò lịch sử quan trọng. Đây là nơi phổ biến chính sách, thông báo tình hình trật tự trị an xã hội, nhận lương hưu, thông báo nghĩa vụ quân sự...
"Trong giai đoạn phát triển xây dựng đất nước thời bình, loa phường vẫn phát huy tác dụng rất tốt. Nó là một biểu tượng, hình ảnh rất thân thương với những lớp người trước. Loa phường xứng đáng được tôn vinh vì đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình", TS Bình nói.
Tuy nhiên, theo ông Bình, khi xã hội phát triển, chúng ta có nhiều loại hình truyền thông tuy không thể thay thế nhưng lợi ích của loa phường đã suy giảm rất nhiều. "Trong nhiều trường hợp, loa phường còn gây phản cảm về tiếng ông, "can thiệp" vào đời sống của cộng đồng dân cư. Nhữn hộ dân dưới chân loa phường thì "điếc tai", hộ ở xa thì... không nghe thấy", TS Bình chia sẻ.
"Vai trò lịch sử của loa phường đã hoàn thành nhưng cũng không nên "khai tử" hết. Tùy từng vùng, nơi mà truyền thông chưa phổ biến thì vẫn nên giữ. Còn ở đô thị, nơi trình độ dân trí, kinh tế xã hội phát triển thì cũng nên bỏ", TS Bình nói.