Đánh đúng tâm lý các bậc phụ huynh thời hiện đại, hiện nay những lớp dạy kĩ năng cho con và cho cha mẹ mọc lên như nấm ở các thành phố lớn, trong đó có Hà Nội với những cam kết cực hấp dẫn: “khóa cho cha mẹ tại Việt Nam chỉ ra những phương pháp đặc biệt hiệu quả có thể áp dụng ngay để khai phá những khả năng tiềm ẩn của các con”, “khóa học đánh thức thiên tài”… Tuy nhiên, hiệu quả thực tế thu được từ các khóa học này lại khó đo đếm được.
Bố mẹ thông thái và toàn năng?
Ngay sau những ngày nghỉ Tết, chị Thanh Vy, ở quận Hoàng Mai hồ hởi lên kế hoạch dài hạn cho cô con gái 4 tuổi đi học kĩ năng sống với hy vọng con sẽ tự tin và tự lập ngay từ nhỏ. Mặc dù nhà xa nhưng chị vẫn đưa con đến học tuần hai buổi tại trung tâm chuyên về dạy kĩ năng cho trẻ trên phố Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm.
Nghe chị khoe thì trong khóa học 4 tháng, con chị được học tới cả chục môn học mà nội dung đều thuộc bản quyền chuyên sâu về giáo dục của Mỹ, từ chơi trò chơi, ca hát, làm đồ chơi thủ công đến đóng vai bác sĩ, nhà khoa học… giúp con tự tin, sáng tạo, thích khám phá và biết cách làm việc nhóm. Tiếp đến, chị đăng kí cho con học lớp làm MC và múa.
Cho con học kín cả tuần, chị Vy vô cùng yên tâm khi các trung tâm đã thay bố mẹ dạy con các kĩ năng, giúp con phát triển toàn diện, còn bố mẹ thì yên tâm công tác. Chị tâm sự: “Học phí cho mỗi khóa học tầm 7 triệu đồng, tuy tốn kém một chút nhưng đầu tư cho con là đầu tư có lãi, mình không tiếc”.
Theo chị Vy, bố mẹ thời hiện đại phải thông thái, phải chớp lấy giai đoạn vàng của não bộ là từ 0 đến 8 tuổi để trang bị các kĩ năng cho con, có như vậy con mới không bị lạc hậu, bắt kịp với thời đại.
Các khóa học hướng dẫn dạy con thu hút rất nhiều bố mẹ tham gia.
Khác với các “bố mẹ thông thái” phó mặc việc rèn con cho các trung tâm, một bộ phận cha mẹ không tiếc thời gian và tiền bạc trực tiếp đi học các lớp hướng dẫn cách dạy con. Nếu như khóa học dành cho con thường kéo dài một vài tháng, khóa học dành cho các ông bố bà mẹ luôn diễn ra đúng kiểu “mỳ ăn liền”, tức là học cấp tốc một buổi, hoặc một ngày nhưng thu nạp được hết các chiêu thức dạy con.
Với sự hướng dẫn của các chuyên gia tâm lý giáo dục, những diễn giả nổi tiếng trong và ngoài nước, các bố mẹ sẽ trở thành “bố mẹ toàn năng”, biết cách dạy con thành một người hoàn hảo, lúc bé thì ăn ngủ đúng giờ, không mè nheo; lớn thêm chút nữa thì biết tự lập, không ương bướng, khả năng tập trung cao, ham đọc sách,…
Lớn thêm nữa thì có khả năng sinh tồn mạnh mẽ, biết nghe lời người lớn một cách tự nguyện, không tùy tiện nổi giận với người khác, biết lắng nghe và thấu hiểu, không nói xấu người khác... Nếu con cái được rèn giũa đầy đủ các đức tính tốt này, có lẽ sẽ thành người hoàn hảo?
Nắm bắt tâm lý của rất nhiều bố mẹ luôn sính ngoại, muốn trở thành “bố mẹ toàn cầu”, các trung tâm còn đồng loạt mở lớp cũng như xây dựng các gói học online hướng dẫn bố mẹ dạy con theo kiểu Mỹ (phương pháp Glenn Doman), kiểu Ý (Montessori); kiểu Nhật (Shichida); kiểu Trung Quốc (Phương án 0 tuổi) và kiểu Do Thái với các phương pháp dạy học nghe rất “kêu” như phương pháp zig zag; tháp học tập của Bloom,… Học phí cho các khóa học từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng.
Hiệu quả thực tế
Lí giải về hiện tượng bùng nổ nhu cầu đi học kĩ năng cho mẹ và cho con, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn cho rằng: “Hiện nay, một bộ phận cha mẹ trẻ (chủ yếu là bố mẹ cuối 7X và 8X) rất quan tâm đến cách nuôi dạy con cái. Bản thân các bố mẹ thời trước được nuôi dạy theo lối cũ, nên rất muốn áp dụng phương pháp mới mà họ nghĩ là sẽ hiện đại, khoa học và tốt cho con. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên khi cha mẹ phát cuồng với các lớp kĩ năng thì chưa hẳn đã hay…”.
Chị Lưu Vân Thư – nhân viên ngân hàng ở quận Thanh Xuân cho biết: Chị cho con học 2 khóa kĩ năng sống, nhưng con còn nhỏ nên cũng chỉ học cho vui, chứ chưa thể gọi là “đánh thức tiềm năng” hay “giúp con phát triển vượt trội” như lời quảng cáo của các trung tâm.
Chị Thủy Tiên (Cầu Giấy) sau khi tham gia khóa học hướng dẫn cách dạy con thì chia sẻ: “Lúc mới tham gia khóa học, tôi hăm hở áp dụng các chiêu thức để con không hờn dỗi, tự ăn, tự ngủ. Nhưng được hai ba ngày, cậu con trai 3 tuổi không hợp tác, tôi bị stress nên bỏ cuộc”. Với kỳ vọng con thông minh sớm, chị Thủy Tiên còn hạn chế con nói tiếng Việt, bắt con nói tiếng Anh, trong khi con chị lại không hứng thú nên suốt ngày mếu máo.
Phát triển nhân cách của trẻ cần một quá trình, cha mẹ không thể “ủy quyền” cho các trung tâm thay mình dạy con trong vài tháng. Bố mẹ mới là những người gần gũi và có sức ảnh hướng lớn đối với trẻ. Sau một vài khóa học cấp tốc, liệu bố mẹ có thực sự thay đổi được con người mình để áp dụng một cách đồng bộ, thống nhất các quy tắc dạy con?
Hơn nữa, những vấn đề dạy con mà các chuyên gia đưa ra chỉ mang tính chất gợi mở, khái quát không có điều kiện đi sâu kĩ, lớp lang. Nếu bố mẹ nào kì công thì từ sự gợi mở đó sẽ tìm ra cách dạy con hợp lý, còn nếu không tìm tòi, suy nghĩ thêm thì chỉ dừng lại ở lý thuyết, không biết áp dụng với con mình như thế nào.
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, nếu các bậc phụ huynh có điều kiện và tiền bạc để đi học các lớp kĩ năng cho mẹ và cho con thì nên cân nhắc chọn lựa chương trình học hợp lí. Và khi đã học rồi thì về nhà phải duy trì, vận dụng sáng tạo để dạy con đúng cách và hiệu quả.
Còn ông bố bà mẹ nào không có điều kiện tham gia những lớp kĩ năng đó thì cũng có gì lo lắng cả. Bởi vì bố mẹ mới là những người thầy tốt của con, và gia đình mới là trường học bổ ích cho con mà không cần đến bất cứ một trung tâm dạy kĩ năng nào cả.