VSIP vừa trải qua một năm 2023 đầy bận rộn. Hồi tháng 3/2023, tại Thành phố mới Bình Dương đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa VSIP với đại diện lãnh đạo 9 tỉnh thành.
Theo thỏa thuận được ký kết, VSIP và 9 tỉnh, thành phố gồm: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định sẽ tiến hành nghiên cứu tính khả thi cho các khu công nghiệp, trung tâm đô thị và dịch vụ.
Đến cuối tháng 8, tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam - Singapore, các nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ công bố biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương của Việt Nam (Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình).
Cũng tại sự kiện, VSIP được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án mới gồm VSIP Lạng Sơn và Khu công nghiệp Sơn Mỹ 2, tỉnh Bình Thuận. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng khởi công VSIP Cần Thơ, VSIP Bắc Ninh 2 và VSIP Nghệ An 2.
Để tiếp tục kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam, thời gian gần đây, VSIP đã đến một số địa phương để tìm hiểu cơ hội và đề xuất ý tưởng dự án.
Đơn cử, vào tháng 11, Liên danh Becamex IDC - VSIP - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (Mã: GVR) đã đề xuất chủ trương khảo sát, nghiên cứu phát triển hai dự án tại Khánh Hoà, gồm Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Ninh Xuân (2.340 ha) tại xã Ninh Xuân, huyện Ninh Hòa và Khu đô thị - Dịch vụ Diên Khánh (500 ha) tại xã Diên Thạnh và xã Diên Bình, huyện Diên Khánh.
UBND tỉnh Khánh Hoà sau đó đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương cho phép liên danh trên được nghiên cứu, khảo sát tổng thể hai dự án với tổng quy mô dự kiến khoảng 2.340 ha.
Tại Thừa Thiên Huế, vừa qua VSIP đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để báo cáo ý tưởng đầu tư Khu công nghiệp La Sơn (giai đoạn 1) với diện tích khoảng 500 ha. Tại Đồng Nai, VSIP cũng bày tỏ mong muốn địa phương tạo điều kiện để doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu để có những đề xuất đầu tư hạ tầng khu công nghiệp phù hợp.
Tại Cần Thơ, Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ cũng vừa ký bản ghi nhớ với VSIP Cần Thơ về việc nghiên cứu, xây dựng đề xuất dự án KCN Vĩnh Thạnh 2 (519 ha, 7.250 tỷ đồng).
Tại Quảng Ngãi, mới đây nhất vào ngày 22/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1), thuộc khu kinh tế Dung Quất với quy mô khoảng 498 ha, tổng vốn đầu tư 3.737 tỷ đồng.
Theo thống kê của người viết, trong năm 2024, dự kiến VSIP sẽ triển khai xây dựng khoảng 5 dự án công nghiệp, đô thị.
Hồi tháng 3/2023, VSIP Nghệ An đã công bố một báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú và Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An.
Dự án này có diện tích 500 ha, tổng mức đầu tư 3.827 tỷ đồng, tương đương khoảng 165 triệu USD. Chủ đầu tư cho biết, giai đoạn từ năm 2024 đến quý cuối năm 2027 sẽ tiến hành xây dựng nhà điều hành, đường giao thông, mạng lưới thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, mạng lưới thông tin liên lạc, thu gom nước thải, cây xanh...
Tại TP Tân Uyên, Bình Dương, VSIP cho biết, dự kiến từ tháng 1/2024 - tháng 12/2029, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các công trình còn lại thuộc dự án Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân, từ tháng 1/2030 sẽ vận hành chính thức toàn dự án.
Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân được VSIP đầu tư từ năm 2009, đến nay đã bồi thường giải phóng mặt bằng 98%, đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ xây dựng nhà ở của người dân khoảng 56%.
Từ năm 2024, dự án sẽ tiếp tục xây dựng công trình nhà ở trên 27,2 ha, bao gồm 17,6 ha nhà ở tái định cư; 6,3 ha đất ở thương mại và 3,3 ha đất nhà ở xã hội. Cùng với đó, xây dựng công trình thương mại dịch vụ cao tối đa 9 tầng trên khu đất 6,7 ha. Tổng mức đầu tư dự án là gần 319 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 64 tỷ đồng.
Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh của VSIP. Dự án này có quy mô hơn 190 ha, tổng mức đầu tư khoảng 65 triệu USD.
Về tiến độ, dự kiến từ quý II/2024 - quý IV/2026 VSIP sẽ triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành, đường giao thông... Quý II/2025 dự án sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm và từ quý II/2025 - quý IV/2027 sẽ đi vào vận hành chính thức.
Cũng trong ngày 29/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp VSIP Thái Bình.
VSIP Thái Bình có quy mô sử dụng đất 333,4 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.932 tỷ đồng, tương đương gần 212 triệu USD. Đây là một trong 12 dự án VSIP mà Việt Nam - Singapore đã ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư, địa điểm thực hiện tại 2 xã An Tân, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy.
Tỉnh Thái Bình cho biết, đây là một trong 6 dự án trọng điểm của địa phương này. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy... để rút ngắn thời gian triển khai dự án, dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2024.
Tại Lạng Sơn, trong năm 2023 VSIP đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn.
VSIP Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 600 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương gần 275 triệu USD, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 954 tỷ đồng, tương đương hơn 41 triệu USD.
Về tiến độ, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ được chia thành 2 phân kỳ đầu tư. Trong đó, phân kỳ 1 thực hiện đến năm 2027, sẽ đầu tư phần phía nam dự án trên diện tích khoảng 402 ha. Phân kỳ 2 thực hiện trong giai đoạn 2027 - 2032, đầu tư phần phía bắc dự án trên diện tích khoảng 197,5 ha.
VSIP đang dẫn đầu cả nước về quỹ đất công nghiệp
Tính đến nay, đã có 14 khu công nghiệp VSIP tại 10 tỉnh, thành phố của Việt Nam với quy mô khoảng 11.000 ha, thu hút gần 20 tỷ USD vốn đầu tư. Nếu so với Kinh Bắc, Viglacera, IDICO, Sonadezi thì VSIP hiện đang dẫn đầu về quỹ đất.
Tại ngày 30/6/2023, quy mô tổng tài sản của VSIP đạt khoảng 24.477 tỷ đồng (tương đương khoảng 1 tỷ USD). Nếu so với một số doanh nghiệp cùng ngành, tổng tài sản của VSIP hiện chỉ kém Kinh Bắc. Cụ thể, Kinh Bắc (33.747 tỷ đồng), Viglacera (23.606 tỷ đồng), Sonadezi (22.884 tỷ đồng), Đầu tư Sài Gòn VRG (20.333 tỷ đồng), IDICO (16.898)...