Loạt dự án giao thông hàng nghìn tỷ dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới

Trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ dự kiến cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, đường Vành đai 3, 4 khu vực động lực Hà Nội, TP HCM... cùng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác.

Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Gần 5.000 dự án được rót vốn đầu tư

Chính phủ đã đề ra tổng mức kế hoạch đầu công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng (chiếm 28% tổng chi NSNN), cao hơn 120.000 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Việc tăng 120.000 tỷ đồng so với thời điểm tháng 10/2020 nhằm bảo đảm cân đối NSNN, giữ mức bội chi NSNN bình quân giai đoạn 2021-2025 3,7% GDP.

Số vốn NSTW cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phân bổ chi tiết tối đa là 1.350 nghìn tỷ đồng, gồm vốn trong nước 1.080 nghìn tỷ đồng, vốn nước ngoài 270 nghìn tỷ đồng. Số vốn ngân sách địa phương được phân bổ 1.370 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2021 - 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương dự kiến bố trí cho khoảng 4.979 dự án, trong đó 2.236 dự án khởi công mới, chỉ bằng 53,1% số dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020.

Ngoài ra, hiện có 777/2.236 dự án khởi công mới (chiếm 34,7%) sử dụng vốn NSTW chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang trong thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Dự kiến số vốn bố trí bình quân cho một dự án là 210,4 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2016-2020 (88 tỷ đồng/dự án).

Chính phủ cũng đề ra mục tiêu phấn đấu số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn NSTW giai đoạn 2021-2025. Tỷ lệ giải ngân bình quân giai đoạn 2021-2025 là trên 90%.

Loạt dự án hạ tầng giao thông dự kiến hoàn thành trong 5 năm tới - Ảnh 1.

Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành các dự án giao thông quan trọng. (Ảnh minh họa: Báo Hànộimới).

Những dự án giao thông được ưu tiên hoàn thành trong 5 năm tới

Chính phủ dự kiến trong giai đoạn 5 năm tới sẽ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, hoàn thành các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đáng chú ý, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông; đường Vành đai 3, 4 khu vực động lực Hà Nội, TP HCM; tuyến nối vùng Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, đầu tư hạ tầng cho phát triển vùng khu vực miền núi phía Bắc, các công trình đường bộ cao tốc và đường thủy nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm 11 dự án thành phần, tổng chiều dài toàn dự án là 654 km. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã khởi công xây dựng 8 dự án đầu tư công và đã ký hợp đồng một dự án PPP. Theo kế hoạch, dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng trong giai đoạn năm 2022 - 2023.

Đối với dự án đường Vành đai 3 và Vành đai 4 của TP HCM, cả hai dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào ngày 28/9/2011. Sau gần 10 năm được phê duyệt quy hoạch, đường Vành đai 3 mới chỉ xây dựng được 16,3 km, trong khi đường Vành đai 4 chỉ mới hoàn thành xây dựng được 11 km.

Theo quy hoạch, đường Vành đai 3 có chiều dài 89 km, đi qua địa bàn các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng kinh phí để đầu tư hoàn thiện toàn bộ tuyến vành đai 3 này là khoảng 60.680 tỷ đồng.

Trong khi đó, đường Vành đai 4 có chiều dài 197 km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An với tổng mức đầu tư ước tính 100.000 tỷ đồng

Còn tại Hà Nội, tuyến Vành đai 4 vùng Thủ đô có chiều dài khoảng 98 km, riêng địa phận Hà Nội dài 56,5 km, Hưng Yên dài 20,3 km, Bắc Ninh 21,2 km; hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi nhưng có vị trí tiếp giáp điểm đầu và điểm cuối tuyến.

Tổng mức đầu tư của dự án nếu xây dựng đường cao tốc khoảng 105.000 tỷ đồng; cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến là khoảng 135.000 tỷ đồng (đã gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo chỉ giới 120 m khoảng 25.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề ra chỉ tiêu hoàn thành trên 1.700 km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; hành lang kinh tế Đông -Tây; sửa chữa nâng cấp, xây dựng các hồ chứa nước, các công trình thủy lợi trọng yếu ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long và hoàn thành 84 dự án kết nối liên vùng...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.