Lợi nhuận Đạt Phương vượt kế hoạch, tồn kho BĐS tăng hơn 200%

Luỹ kế cả năm 2022, lợi nhuận sau thuế Đạt Phương đạt 530 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 20% kế hoạch. Tại thời điểm cuối năm, giá trị tồn kho đạt gần 1.360 tỷ đồng, tăng 144% so với đầu năm, trong đó tồn kho BĐS tăng 227%.

CTCP Tập đoàn Đạt Phương (mã chứng khoán: DPG) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với doanh thu thuần hơn 1.094 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó, doanh thu mảng xây dựng tăng 63% (đạt 732 tỷ đồng), mảng điện tăng 2% (đạt 208 tỷ đồng), song mảng kinh doanh bất động sản giảm 62% (đạt 135 tỷ đồng).

Giá vốn tăng 20% kéo lợi nhuận gộp giảm 18%, đạt 261 tỷ đồng, chiếm 63% là lợi nhuận từ mảng sản xuất điện, hơn 165 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính tăng hơn 81% nhờ tăng lãi tiền gửi có kỳ hạn, cùng với tổng chi phí giảm, kết quả lợi nhuận thuần kinh doanh tăng 15% so với quý IV/2021, đạt 170,6 tỷ đồng.

Song, lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức tăng 5%, đạt hơn 154 tỷ đồng do khoản lỗ khác gần 1,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi khác hơn 10 tỷ đồng.

  KQKD năm 2022 của Đạt Phương. Nguồn: Quỳnh Anh tổng hợp từ BCTC. 

Luỹ kế cả năm, doanh thu thuần công ty hơn 3.319 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2021. Lợi nhuận gộp hơn 922 tỷ đồng, tăng 5%, mảng điện đóng góp 54% (503 tỷ đồng), tăng 42% so với cùng kỳ, còn mảng bất động sản chiếm gần 35% (321 tỷ đồng), giảm 34%.

Lợi nhuận sau thuế của Đạt Phương đạt hơn 530 tỷ đồng, tăng 18%.

Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.825 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 442 tỷ đồng, như vậy công ty đã vượt đích lợi nhuận 20%.

Tính đến cuối quý IV/2022, tổng tài sản của Đạt Phương gần 6.150 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Lượng tiền mặt hơn 1.376 tỷ đồng, giảm 4%, chủ yếu do công ty giảm khoản tiền gửi có kỳ hạn.

Hàng tồn kho hơn 1.359,5 tỷ đồng, tăng 144%, trong đó chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang BĐS gần 859 tỷ đồng, tăng 227%; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang xây lắp gần 436 tỷ đồng, tăng 98%.

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 57 tỷ đồng, đầu năm gần 735,7 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí xây dựng tại các khu đô thị đã kết chuyển vào TSCĐ trong kỳ (23 tỷ đồng) và kết chuyển giảm khác (1.097 tỷ đồng).

Tổng dư nợ tài chính tại thời điểm cuối năm 2022 ghi nhận hơn 2.661 tỷ đồng (chiếm 43% tổng nguồn vốn), giảm 1,7%. Trong đó, hơn 1.044 tỷ đồng là các khoản vay thời hạn dưới 12 tháng, phần lớn là các khoản vay ngân hàng.

Nói về dòng tiền của doanh nghiệp, trong kỳ công ty chi 1.548 tỷ đồng trả nợ gốc vay và thu từ đi vay 1.503 tỷ đồng, do đó dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm 101 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 236,8 tỷ đồng.   

Ngược lại, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương 45 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh dương 181 tỷ đồng, do đó lưu chuyển tiền thuần trong năm 2022 dương 125 tỷ đồng. Luỹ kế, tiền và tương đương tiền cuối kỳ hơn 1.171 tỷ đồng.

chọn
VIS Rating: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp bất động sản vẫn ở mức yếu
Khả năng trả nợ của doanh nghiệp vẫn ở mức yếu ngay cả khi dòng tiền được cải thiện do đòn bẩy cao và nợ đến hạn lớn trong năm 2024.