Nguồn vốn đầu tư công sẽ dùng để tập trung thực hiện các dự án giao thông, nhất là các dự án giao thông trọng điểm như đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đường ĐT. 830E, đường ĐT.823D...; tập trung thực hiện các dự án mua sắm thiết bị, sửa chữa trụ sở làm việc thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế; các dự án cấp bách phòng chống sạt lở; các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, văn hóa – xã hội, an ninh, quốc phòng...
Trong lần điều chỉnh này, Long An đã đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 danh mục gồm 9 dự án để điều chuyển sang thực hiện trong kỳ sau nhằm tập trung vốn cho các dự án khác mang tính chất cấp bách, bức xúc của địa phương; đồng thời, bổ sung mới danh mục gồm 15 dự án cấp thiết.
Theo UBND tỉnh Long An, trên cơ sở nghị quyết được HĐND tỉnh ban hành, UBND tỉnh sẽ thực hiện phân bổ nguồn vốn và đôn đốc các đơn vị, địa phương, chủ đầu tư thực hiện ngay từ đầu năm; đảm bảo hoàn thành kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024.
Trong từng ngành, lĩnh vực, chương trình thực hiện việc phân bổ vốn bảo đảm theo thứ tự ưu tiên gồm: ưu tiên bố trí vốn để thu hồi các khoản vốn ngân sách đã ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản; dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng trong năm 2023 chưa bố trí đủ vốn và vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; dự án hoàn thành trong năm 2024 theo thời gian bố trí vốn được quy định tại Luật Đầu tư công; dự án chuyển tiếp thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; dự án khởi công mới có đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
UBND tỉnh Long An yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư công; không để phát sinh nợ đọng, chỉ được khởi công xây dựng khi đã được bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án; phải xem việc thực hiện đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt trong năm nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế, ổn định an sinh xã hội.
Đồng thời, các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tăng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ và thực hiện tiết kiệm chi ngân sách, giảm tỷ lệ chi thường xuyên và tăng tỷ lệ chi đầu tư phát triển. Các ngành, các cấp và các chủ đầu tư thường xuyên phối hợp chặt chẽ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trong đền bù giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư công để phát hiện và xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc, đôn đốc về tiến độ, chất lượng các công trình; thực hiện nghiêm thủ tục nghiệm thu, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư…