Khu vực tuyến ĐT 830C giao với tuyến Vành đai 3 TP HCM đang thi công. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).
Theo Báo Long An, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT 830C có tổng chiều dài toàn tuyến 9 km, đi qua các xã: Tân Bửu, Thanh Phú, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức); điểm đầu giao với đường Nguyễn Hữu Thọ ở thị trấn Bến Lức và điểm cuối là ranh Long An - TP HCM.
Dự án thuộc nhóm B, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường giao thông cấp II. Trong đó, đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Văn Tiếp dài khoảng 0,7 km sẽ giữ nguyên hiện trạng với mặt đường bê tông nhựa rộng 12 m, nền đường rộng 22 m.
Đoạn từ đường Nguyễn Văn Tiếp đến ranh TP HCM dài khoảng 8,3 km sẽ được nâng cấp với mặt đường bê tông nhựa rộng 20 m, nền đường rộng 30 m; đồng thời, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật như thoát nước, bó vỉa, vỉa hè, cây xanh và chiếu sáng.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 971 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 220 tỉ đồng.
Dự án được duyệt thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025 và dự kiến khởi công vào qúy IV/2024. Công tác kê biên, kiểm đếm đã thực hiện với 1.289 thửa đất thuộc 792 cá nhân, tổ chức có đất trong diện giải phóng mặt bằng ở các xã: Tân Bửu, Thanh Phú, Mỹ Yên và thị trấn Bến Lức với diện tích gần 7 ha
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như người dân chưa đồng tình với bảng giá bồi thường giải phóng mặt bằng; so sánh giá bồi thường với một số dự án khác lân cận và khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn nên dự án đã phải tạm dừng triển khai theo kế hoạch đề ra.
Sau thời gian tạm dừng, hiện dự án nâng cấp, cải tạo ĐT 830C đã được tái khởi động thực hiện trở lại. Mới đây, vào ngày 25/3/2025, UBND tỉnh Long An đã quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo ĐT 830C.
Theo quyết định mới này, thời gian thực hiện dự án này được điều chỉnh sang giai đoạn 2024 - 2027. Tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng lên 1.851 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.100 tỷ đồng.
Hiện trạng tuyến ĐT 830C qua huyện Bến Lức hiện nay có tổng chiều dài khoảng 9 km. Tuy nhiên, quy mô mặt cắt ngang tuyến đường chưa đồng bộ. Cụ thể, đoạn từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến đường Nguyễn Văn Tiếp (0,7 km) hiện có mặt đường bê tông nhựa rộng 12 m, nền đường rộng 22 m và đã được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh.
Trong khi đó, đoạn từ đường Nguyễn Văn Tiếp đến ranh TP HCM (8,3 km) có mặt đường rộng 11 m, lề đất hai bên 0,5 m, nền đường rộng 12 m, chưa có hệ thống thoát nước đồng bộ, nước mưa chảy tràn tự nhiên ra hai bên đường.