Long An tìm chủ cho dự án nhà máy nhiệt điện LNG hơn 3,1 tỷ USD

Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II có công suất dự kiến 3.000 MW, tổng mức đầu tư nhà máy điện Long An I và Long An II và hệ thống kho chứa LNG khoảng 3,13 tỷ USD (sau thuế).

Sở Công Thương tỉnh Long An vừa có thông báo về việc xét chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện (LNG) Long An I và Long An II.

Dự án có công suất dự kiến 3.000 MW, bao gồm hai nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất mỗi nhà máy 1.500 MW. Địa điểm xây dựng dự kiến là ấp Đông Bình, xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Theo thông báo diện tích sử dụng đất khoảng 156,14 ha, có xem xét đến khả năng mở rộng thêm hai nhà máy nữa trong tương lai.

Ước tính tổng mức đầu tư nhà máy điện Long An I và Long An II và hệ thống kho chứa LNG ở mức khoảng 2,88 tỷ USD (trước thuế) và khoảng 3,13 tỷ USD (sau thuế). 

Trong đó, chi phí xây dựng là 291,27 triệu USD; chi phí thiết bị là 1, 727 tỷ USD; chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn và chi phí khác khoảng 201,88 triệu USD.  Chi phí dự phòng rơi vào khoảng 283,5 triệu  USD. 

Phí và lãi vay trong thời gian thi công khoảng 320,89 triệu USD. Vốn lưu động ban đầu là 25,6 triệu USD. 

Với Nhà máy nhiệt điện Long An I, tiến độ vận hành dự kiến tổ máy 1 là tháng 6/2025, tổ máy 2 là tháng 12/2025.

Tiến độ vận hành tổ máy 1 Nhà máy nhiệt điện Long An II là tháng 6/2026 và tổ máy 2 là tháng 12/2026.

Yêu cầu về năng lực nhà đầu tư, vốn chủ sở hữu tối thiểu nhà đầu tư phải thu xếp tối thiểu bằng hoặc trên 500 triệu USD, tương đương khoảng 15% tổng mức đầu tư.

Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh.

Về năng lực kinh nghiệm liên quan nhà máy điện chạy khí, tổng công suất các nhà máy điện chạy khí mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh đã thực hiện thành công với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu phải đạt ít nhất 4.500 MW.

Về năng lực kinh nghiệm liên quan vận chuyển, tồn trữ cung cấp LNG, tổng công suất tồn trữ, vận chuyển, cung cấp LNG mà nhà đầu tư hoặc thành viên tham gia liên danh đã thực hiện thành công với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu phải đạt ít nhất 2 triệu tấn LNG/năm.

Với tư cách pháp nhân, Sở Công thương tỉnh Long An yêu cầu nhà đầu tư phải hạch toán tài chính độc lập, không đang trong quá trình giải thể, không bị kết luận đang lâm vào tình trạng phá sản hoặc nợ không có khả năng chi trả theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư phải có một trong các tài liệu sau: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập, Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Dự án nhà máy điện Long An I và II được phê duyệt quy hoạch từ năm 2016, sử dụng nguyên liệu than nhập khẩu sau đó đã chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Vào cuối tháng 10/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPBF), VinaCapital và chính quyền tỉnh Long An dự kiến hợp tác với tập đoàn Mỹ General Electric (GE) để phát triển dự án nhiệt điện LNG. VinaCapital sẽ hợp tác với GE về cung ứng các tua bin khí và các thiết bị, dịch vụ liên quan.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.