Chân dung thầy giáo quyết tâm "bỏ phố về làng" Lê Thế Việt. (Ảnh: NVCC) |
“Tôi đã thấy nụ cười trên những gương mặt ấy!”
Tốt nghiệp chuyên ngành Văn học & Ngôn ngữ, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM, chàng sinh viên Lê Thế Việt đến với nghề giáo rất đỗi tự nhiên như vốn dĩ sinh ra để dành cho việc đứng lớp.
Từ ngày còn ở giảng đường, bạn bè vẫn không lạ với hình ảnh chàng trai sôi nổi trong những buổi thuyết trình, nói bất tận về một nhân vật văn học mình yêu, một tác phẩm mình tâm đắc. Và những sôi nổi ấy tiếp tục theo thầy giáo trẻ mỗi lần lên bục giảng, truyền đạt kiến thức đến học sinh sau này.
Tâm huyết với nghề là thế nhưng ít ai biết sức khỏe thầy Việt từng có thời kỳ rơi vào giai đoạn nguy hiểm, bị những cơn đau xương khớp hoành hành phải chống gậy nhích từng bước, không khác một người cao tuổi. Để đảm bảo sức khỏe, thầy phải nghỉ ngang công việc dạy học, điều trị bệnh trong gần một năm trời ròng rã. Thế nhưng, khi sức khỏe tốt hơn, mặc nhiều người khuyên nghỉ ngơi, thầy Việt lại tiếp tục công việc bởi nỗi nhớ nghề da diết.
Xin được công việc dạy bộ môn Văn tại một ngôi trường quốc tế lớn, thầy tiếp tục miệt mài cùng những trang giáo án và giờ lên lớp. Vẫn là lối dạy học trò sôi nổi như dồn hết năng lượng của mình, thầy chia sẻ mình sẽ không bao giờ quên ánh mắt của các em học sinh trên lớp khi nghe giảng, những gương mặt trẻ thơ ngồi mê mẩn đọc sách tại thư viện giờ ra chơi. "Tôi chợt nghĩ đến những khuôn mặt đáng yêu nơi làng quê mình sinh ra, còn nhiều thiệt thòi biết mấy..", thầy Việt chia sẻ.
Khi công việc đang trên đà thuận lợi, thầy Việt và vợ - cô Trần Thị Ngọc Vy, đang làm trợ giảng cho một trung tâm Anh Ngữ, quyết tâm trở về quê, gắn bó cùng nơi mình sinh ra, đem kiến thức truyền đạt cho những đứa trẻ quê mình.
“Ngày tôi quyết định rời Sài Gòn cũng nhiều lưu luyến lắm nhưng về với quê hương, với gia đình, đem những gì mình từng học được bồi đắp cho các em, nhìn thấy nụ cười trên gương mặt các em, điều đó càng thôi thúc tôi mạnh mẽ” – thầy Việt bộc bạch. Nhiều người tiếc cho công việc tại ngôi trường quốc tế lớn nhưng thầy giáo trẻ vẫn quyết tâm cùng vợ về với vùng quê Bình Minh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa, hành trang đi gói ghém nhiều ấp ủ dành cho những đứa trẻ.
Rời ngôi trường quốc tế với nhiều tình cảm lưu luyến, thầy Việt về gắn bó cùng những đứa trẻ quê hương mình. (Ảnh: NVCC) |
Lớp học và tủ sách của thầy giáo làng
Về quê, vợ chồng thầy Việt lên kế hoạch tổ chức lớp học, tự tay thầy đóng từng bộ bàn ghế cho học trò ngồi. Lớp học đơn sơ trong phòng khách của căn nhà cấp 4. Nhớ đến thư viện tiện nghi của ngôi trường quốc tế mình từng dạy hôm nào, thầy Việt lụi cụi làm một tủ sách trong lớp học cho các em.
“Tôi muốn các em không đơn giản là chỉ học kiến thức khi đến đây. Lớp học này còn là một sân chơi, một nơi giải trí cho bất cứ em nào muốn đến đọc sách. Cha mẹ các em phần lớn bận bịu buôn bán, đi làm công nhân, làm nông nghiệp, nhiều em không có sách mà đọc. Tôi chỉ mong mình giúp các em yêu sách hơn, yêu việc đọc hơn và hình thành cho mình được thói quen đọc sách, tự học”, thầy Việt chia sẻ.
Gian nhà nhỏ giờ luôn tấp nập bởi các em trong làng đến nhà thầy đọc sách. (Ảnh: NVCC) |
Cũng theo thầy Việt, nhiều bạn bè, những người quen của thầy khi biết về tủ sách đã chung tay gửi sách giúp thầy hoàn thành góc thư viện nhỏ xinh. “Giờ thì tủ sách cũng đã mấy trăm cuốn. Ngoài giờ học, các em đến nhà đọc sách làm tôi rất vui. Nhà hầu như không lúc nào vắng bóng trẻ em”, thầy Việt hạnh phúc chia sẻ.
Nhìn khuôn mặt những đứa trẻ quê với ánh mắt sáng lấp lánh khi tìm được những cuốn sách hay thầy lại nhớ đến những gương mặt trẻ thơ ở ngôi trường quốc tế ngày nào. Trẻ con thôn quê thiệt thòi nhiều so với trẻ con thành phố, huống chi so với những đứa trẻ đủ đầy điều kiện được học tập trong những ngôi trường có giá hơn tổng thu nhập của nhiều hộ gia đình lại càng là khoảng cách diệu vợi.
Thế nhưng, với tấm lòng dành cho trẻ quê mình, thầy giáo trẻ cùng vợ nỗ lực hết mình với mong ước đem lại những gì tốt nhất có thể trong khả năng đến với các em.
Cô Ngọc Vy, ngoài công việc chính đang làm phiên dịch cho một công ty ở quê cũng dành thời gian kèm cặp thêm tiếng Anh cho các em nhỏ trong làng. “Ở quê nên các em được tiếp xúc với ngoại ngữ tiếng Anh muộn lắm. Các em cũng gặp khó khăn trong việc phát âm chuẩn”, cô Vy nhận xét.
Sau giờ làm tất bật cùng công việc chính, cô Vy lại cùng thầy Việt đồng hành lên lớp cùng các em nhỏ. (Ảnh: NVCC) |
Mong muốn được đem kiến thức của mình giúp học sinh ở quê lại có nhiều kinh nghiệm từng làm trợ giảng, dạy ngoại ngữ cho trẻ thành phố, cô Vy tổ chức các lớp kèm cặp thêm tiếng Anh cho các em, đem những phương pháp mình được trau dồi trong quãng thời gian làm việc tại thành phố áp dụng với học sinh nơi đây.
“Trẻ ở quê không được gặp người bản xứ, không nhiều trung tâm, không linh hoạt phương pháp mới như các thành phố lớn nên mình cứ phải tìm tòi để giúp các em tiếp cận được chút nào hay chút ấy”, cô Vy bộc bạch.
Tâm huyết với trẻ em thôn quê là vậy, thế nên khi thầy Việt tất bật cùng tủ sách cho các em thì cô Vy, ngoài giờ hành chính cho công việc của mình lại vất vả mày mò cùng các em học sinh trong việc học ngoại ngữ. Cho đến giờ này, lớp học của “thầy giáo làng” đã có khoảng 60 em.
“Dù chỉ là những lớp học nhỏ cùng một tủ sách khá khiêm tốn nhưng được phụ huynh tin tưởng, các em đã tiến bộ hơn nhiều, mạnh dạn hơn, biết tự lập hơn, yêu việc học hơn. Những điều này khiến người “gõ đầu trẻ” như vợ chồng tôi thấy mình đang đi đúng hướng”, thầy Việt chia sẻ.
Với vợ chồng thầy Việt, nụ cười và ánh mắt của các em khiến thầy cô vững tin, thêm yêu nghề, gắn với cái "nghiệp" mà mình đã chọn. (Ảnh: NVCC) |
Với mức học phí phù hợp với điều kiện nông thôn quê mình, vợ chồng nhà giáo trẻ mong đợi là các em đến đây không phải chỉ học kiến thức mà còn học những giá trị đẹp trong cuộc sống, biết ý thức với việc học. Nhiều học sinh vì hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không đủ điều kiện nhưng các em mê đến lớp, vợ chồng thầy Việt vẫn dang rộng vòng tay giúp các em bằng tất cả cái tâm của người làm nghề.
Hàng năm, nhiều sinh viên không tìm được cho mình một chỗ dạy để bám trụ Sài Gòn hoa lệ, đành làm những việc trái ngành hoặc phải về quê trong tâm trạng chán chường phẫn uất thì vẫn còn đó những người trẻ như thầy Việt, cô Vy dám từ bỏ công việc, từ bỏ cuộc sống nhiều hấp lực của thành phố lớn để về quê tìm niềm vui trong những điều giản dị, bình thường nhưng lại mang trong mình nhiều ý nghĩa thật đẹp.
Dù sống ở đâu họ vẫn hết mình với những điều mình đeo đuổi và nói như thầy Việt thì: "Sống giữa quê nhà gần gũi cha mẹ, vui thú điền viên, mỗi tối nhìn học trò dắt xe đến sân khoanh tay chào cô thầy, nhìn vợ đứng say mê trên bục giảng, nhìn các em nâng niu lật từng trang sách, với người làm giáo làng như tôi, hạnh phúc chỉ cần những điều bình an, nhỏ bé như thế!".