Các 'đại gia' thủy sản lừa ngân hàng trên 1.000 tỉ đồng lĩnh án | |
Lừa bán đá thiên thạch giá 300 tỷ đồng |
Chủ trường mầm non tư thục lãnh án tù. Ảnh: Sơn Hà |
Nước cờ cao tay
“Tôi kinh doanh nhà trẻ nhưng công việc nặng nhọc, lợi nhuận thấp nên được một thời gian thì chán nản. Vì mắc nợ nên mới nghĩ ra chiêu bán sữa khuyến mại nhằm huy động vốn của những người muốn đầu tư để hưởng phần chênh lệch. Vì số tiền huy động được lớn quá nên tôi mờ mắt, chấp nhận sai phạm.
Khi bị bắt, tôi đã rất sợ hãi. Ngay cả bây giờ tôi cũng sợ và nhận thức được việc làm của mình là sai trái, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người,… " Đó là những lời trần tình trước tòa của bị cáo Nguyễn Thị Thúy Vân (SN 1969, ngụ phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An) khi bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Long An mới đây.
Dáng người nhỏ, gầy, Vân đứng lọt thỏm trong vành móng ngựa. Phía dưới khán phòng, nhiều nạn nhân là những người bị Vân lừa đảo trở nên thất thần, có người tỏ ra lo lắng, bồn chồn vì không biết có lấy lại được tiền đã bị Vân lừa hay không.
Đứng trong vành móng ngựa, Vân không cảm nhận hết được cảm xúc của những nạn nhân bên dưới. Vân chỉ trình bày chung chung rằng: “Tôi biết các chị đã rất khổ khi đầu tư vào tôi. Tôi biết giờ các chị rất lo lắng và phải trả lãi hàng chục đến hàng trăm triệu đồng vì vay tiền đưa cho tôi. Tôi xin lỗi, nhưng tôi không có tiền để bồi thường. Tôi cũng không có tài sản gì có giá trị nên nếu muốn cũng không thể bồi thường được”.
Lý do Vân phải có mặt trong phiên tòa này xuất phát từ hơn 1 năm trước, khi Vân đến huyện Bến Lức mở lớp mẫu giáo tư thục. Vân không có tiền nhưng lại có chí hướng làm ăn bằng tiền…người khác. Trong tay chỉ có số tiền ít ỏi không đủ mở lớp dạy trẻ, Vân quyết định vay tiền để làm ăn.
Được mọi người chỉ dẫn, Vân tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Điểm (ngụ thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) vay 100 triệu đồng. Sau khi vay được tiền, ngày 1/6/2015, Vân mở trường mẫu giáo tư thục Đồ Rê Mí tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Tuy nhiên, sau một thời gian mở trường dạy trẻ, Vân thấy công việc cực nhọc, lợi nhuận lại ít nên Vân chán nản. Đến hạn trả nợ nhưng Vân không có tiền, trong khi bà Điểm đòi nợ khiến Vân sợ.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, Vân quyết định đi nước cờ quyết định, vạch sẵn kịch bản cho một vụ lừa đảo tài sản của người khác.
Trình bày trước tòa, Vân thừa nhận, khi có ý định lừa bán sữa khuyến mại, Vân không ngờ được các nạn nhân lại “đầu tư” mạnh mẽ và bằng số tiền lớn như thế.
Để trì hoãn việc trả nợ cho bà Điểm, Vân nói với bà Điểm mình có thể lấy được sữa giá rẻ hơn thị trường từ 150 – 200.000/thùng và nói bà Điểm đầu tư. Tưởng thật, bà Điểm tiếp tục đưa tiền cho Vân để Vân lấy sữa về đưa đi tiêu thụ. Để bà Điểm tin tưởng, Vân còn áp dụng chương trình khuyến mại mua 10 thùng được tặng 1 thùng và giao sữa cho bà Điểm rất đúng hạn.
Sau thời gian làm ăn chung, bà Điểm thấy đầu tư có lợi nên đã đưa cho Vân thêm nhiều tỉ đồng khác để đặt hàng. Cũng từ đây, bà Điểm và một số nạn nhân khác đã huy động tiền từ nhiều nguồn để đầu tư mua sữa của Vân hàng chục tỉ đồng. Chiêu thức của Vân là lấy tiền trước, giao sữa sau. Sau khi nhận tiền, thời gian đầu Vân luôn đúng hạn, chia lợi nhuận đầy đủ. Các nạn nhân không hề hay biết rằng, đó là cái bẫy mà Vân đã giăng sẵn.
Khi số tiến Vân huy động được ngày càng nhiều, Vân quyết định cất “mẻ lưới” lớn cuối cùng rồi bỏ trốn. Ngày 23/11/2015, Vân điện thoại báo tin cho bà Điểm có lô hàng lớn khoảng 2.500 thùng sữa khuyến mại, mua 10 thùng được tặng 1 thùng.
Tin lời Vân, bà Điểm đưa cho Vân 1,8 tỉ đồng. Đến chiều cùng ngày, bà Điểm không thấy Vân giao sữa, điện không liên lạc được nên đến nhà tìm Vân thì Vân đã bỏ trốn. Lúc này, bà Điểm mới biết mình bị lừa.
Thông tin lan truyền ra ngoài, thêm nhiều nạn nhân khác cũng ngã ngửa trước nước cờ cao tay của Vân. Gần chục nạn nhân đã đặt tiền mua sữa cho Vân với số tiền hơn 13 tỉ đồng, trong đó người ít nhất cũng hơn nửa tỉ đồng, người nhiều thì lên đến hơn 6 tỉ đồng.
Lừa lấy được 13 tỉ, đem “đổi” 14 năm tù
Vân thừa nhận, thật ra Vân không có chỗ mua sữa khuyến mại, cũng không mua được sữa giá rẻ để bán lại cho các nạn nhân. Tất cả những điều đó là do Vân tự nghĩ ra. Để những người đưa tiền cho Vân tin tưởng, ban đầu Vân mua sữa của các đại lý, về giao đúng hạn cho các nạn nhân, đồng thời chiết khấu %, khuyến mại như Vân nói và chấp nhận chịu lỗ.
Các nạn nhân của vụ án mặc dù biết được chiêu lừa của Vân trong những lần Vân khai tại cơ quan điều tra. Nhưng khi nghe Vân khai tại phiên tòa, họ vẫn cảm thấy bị sốc vì không ngờ mình lại bị lừa một các đơn giản như vậy.
“Hầu hết tiền tôi đưa cho Vân là huy động bà con thân thuộc để kinh doanh sữa. Nhưng không ngờ đây là cái bẫy lừa giăng sẵn. Chính sự tin tưởng đó khiến gia đình tôi phải trả giá, các em tôi cũng dính vào nợ nần”, bà Điểm chua chát trình bày.
Về phần Vân, trước những bức xúc của các nạn nhân, Vân không thanh minh gì, chỉ xin các nạn nhân tha thứ. Vân thừa nhận tất cả những gì đã gây ra và xin được khoan hồng trong lời nói sau cùng.
HĐXX sau giờ nghị án đã nhận định rằng, hành vi của Vân là nguy hiểm cho xã hội, lừa đảo chiếm đoạt số tiền rất lớn của nhiều người, nay mất khả năng chi trả. Hành vi này cần được nghiêm trị để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Sau khi cân nhắc, HĐXX tuyên phạt Vân 14 năm tù, buộc Vân phải trả lại toàn bộ số tiền mà Vân đã chiếm đoạt của các nạn nhân.
Phiên tòa kết thúc, Vân bị đưa ra xe trở về trại giam. Còn các nạn nhân ra về trong lo âu và phiền muộn. Họ là nạn nhân, nhưng dù gì họ cũng là những người làm ăn chân chính, chỉ là họ đã lựa chọn sai “kênh” để đầu tư, làm ăn theo kiểu tín chấp, đến khi vỡ lở thì mất trắng.
Một vị trong HĐXX khuyến cáo, đây là một bài học đắt giá cho các nạn nhân và cũng là lời cảnh báo cho những ai đang làm ăn, đầu tư số tiền lớn mà không tìm hiểu kỹ.
Đại án Phạm Công Danh: Thu hồi khoản tiền từ bà Hứa Thị Phấn sẽ gặp khó khăn
Cơ quan chức năng xác định, thiệt hại trong đại án liên quan đến Phạm Công Danh là gần 13.000 tỷ đồng. Hiện Cục thi ... |