Chia sẻ với báo chí ngày 30/5, lãnh đạo của Vietnam Airlines nói "lương phi công của các anh 250-300 triệu đồng/tháng. Các anh mà kêu là thấp ấy thì xã hội có nghe các anh không?”.
Vị này cũng khẳng định “riêng hơn 1.000 phi công thì lương của họ đã chiếm đến gần một nửa quỹ lương toàn tổng công ty. Mình có 6.700 người thì hơn 1.000 phi công đã chiếm một nửa rồi, phần còn lại thì chia nhau hơn nửa còn lại”. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng nói phi công mới ra trường (đào tạo về), lương cũng ở mức 70-80 triệu đồng/tháng.
Cũng theo lãnh đạo hãng, mỗi lần tăng lương thì phần cao nhất luôn dành cho các phi công. “Lương phi công đã sẵn cao rồi. Chỉ cần tăng mấy phần trăm là lớn lắm”, vị này nhận định.
Nhiều phi công cho rằng lãnh đạo Vietnam Airlines khai khống thu nhập của phi công. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Khẳng định trên đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhóm phi công có bức xúc. Nhiều người trong nhóm này nói thu nhập mà họ nhận về chỉ bằng một phần ba so với con số chia sẻ của lãnh đạo hãng.
Nhóm phi công cho rằng khoản thu nhập trên đã bị khai khống 20-25% giá trị thực tế phi công nhận được trước thuế, còn nếu với sau thuế là 40-45% giá trị.
Cũng theo nhiều người trong nhóm, con số thu nhập thực tế của họ chỉ khoảng 100-150 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo tài chính thường niên của Vietnam Airlines, năm 2017 thu nhập trung bình của phi công tăng 5% so với năm trước, tương đương 120,75 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, phi công của hãng hàng không Vietjet Air năm 2017 có thu nhập trung bình ở mức 180 triệu đồng/tháng theo báo cáo tài chính. Con số này cao gấp 50% so với mức của Vietnam Airlines.
Nhìn sang láng giềng Indonesia, theo số liệu từ Aerocadet, thu nhập của một phi công thương mại tại nước này có mức khởi điểm dao động từ 2.500-4.000 USD/tháng không bị tính thuế.
Mức trung bình thu nhập của nghề này tại Indonesia là khoảng 6.600 USD/tháng, tương đương khoảng 150 triệu đồng, ngang với mức mà nhiều phi công của Vietnam Airlines cho biết họ đang nhận từ hãng.
Thu nhập của phi công Vietnam Airlines không thấp hơn nhiều so với mặt bằng khu vực. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Còn tại Singapore, theo số liệu của Phoenix East Aviation, một phi công lái các dòng máy bay như Boeing 777 hay Airbus A330 thường có mức lương khởi điểm khoảng 6.800 USD một tháng, tương đương khoảng 155 triệu đồng, và tăng dần theo thời gian làm việc.
Nếu bay trên 70 giờ một tháng, phi công tại Singapore sẽ nhận thêm khoản thù lao tăng giờ, cao nhất lên tới khoảng 2.800 USD.
Tại Ấn Độ, mức thu nhập của phi công Indigo, hãng hàng không lớn nhất nước này, rơi vào khoảng 7.500 USD một tháng, tương đương khoảng 170 triệu đồng.
Còn theo FltOps.com, một cơ trưởng có kinh nghiệm tại Mỹ, vận hành máy bay cỡ lớn cho các hãng có tên tuổi thường kiếm được hơn 15.500 USD một tháng, tương đương 350 triệu đồng.
Có thể thấy với các nước trong khu vực, thu nhập của phi công Vietnam Airlines không quá chênh lệch. Trong khi đó, thu nhập trung bình của một người Việt Nam hiện thấp hơn 2-20 lần so với người lao động tại các quốc gia nói trên.
Trước đó vào cuối tháng 5/2018, một nhóm phi công đã gửi đơn cầu cứu tới các cơ quan chức năng vì cho rằng Vietnam Airlines đang gây khó không cho họ nghỉ việc và nếu nghỉ phải bồi thường số tiền lớn khoảng 2-3,5 tỷ đồng.
Trong đơn tố cáo, nhóm phi công có đề cập một trong những bức xúc là "lương phi công cũng quá thấp so với mặt bằng chung của ngành hàng không".
Phi công Vietnam Airlines cầu cứu: Thứ trưởng GTVT trả lời ra sao?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật lên tiếng vụ nhiều phi công Vietnam Airlines gửi đơn cầu cứu với lý do bị gây khó khi ... |