Bé trai 2 tuổi nhập viện khẩn cấp do nuốt 13 viên bi nam châm | |
Nguy cơ thủng thực quản, dạ dày do dị vật đường tiêu hóa |
Viên thuốc còn nguyên vỏ đã trôi xuống phần đầu ruột non của bệnh nhân B. Ảnh BVCC |
Mới đây, Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa đã thông tin về một trường hợp bệnh nhân uống thuốc quên bóc vỏ dẫn đến phải đi nội soi. Người bệnh là anh H.V.B. (54 tuổi, quê ở Đồng Tháp) trong lúc uống thuốc đã quên bóc vỏ một viên nên bị vướng tại thực quản, gây đau nơi cổ họng. Sau khi đến một cơ sở y tế nhưng không gắp dị vật ra được, bệnh nhân cùng người nhà đã đến Bệnh viện Quốc tế Thái Hòa để lấy viên thuốc ra.
Sau khi nội soi xác định vị trí và đánh giá mức độ thương tổn, bác sĩ phát hiện có nhiều tổn thương, xước niêm mạc và chảy máu, đồng thời dị vật đã trôi xuống phần đầu ruột non ở đoạn tá tràng giữa D2 và D3. Viên thuốc còn vỏ kẽm với 4 cạnh sắc nhọn gây khó khăn cho việc gắp dị vật do có thể làm tổn thương ruột và chảy máu trong lúc đưa viên thuốc ra ngoài. Do đó, trong lúc nội soi người bệnh đã được gây mê toàn thân, các bác sĩ đã lấy bao bao dị vật (dụng cụ chuyên lấy dị vật sắc cạnh) để lấy dị vật ra một cách an toàn.
Các bác sĩ đang nội soi gắp viên thuốc chưa bóc vỏ của bệnh nhân D. Ảnh Mai Phương |
Trước đó cuối tháng 3/2017, khoa Nội soi Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cũng tiếp nhận người bệnh Phạm Thị D. (55 tuổi, quê Tây Ninh), nhập viện trong tình trạng đau tức sau xương ức. Theo lời chị D., chị uống cùng lúc 5 loại thuốc điều trị đau đầu và tăng huyết áp.
Sau khi uống thuốc người bệnh cảm thấy đau vùng họng và sau xương ức phải nhập viện kiểm tra. Kết quả nội soi cho thấy cách cung răng 30cm (thực quản 1/3 giữa) có dị vật là vỏ thuốc có góc sắc nhọn, đâm xuyên niêm mạc thực quản gây chảy máu nhẹ. Người bệnh đã được các y bác sĩ khoa nội soi gắp dị vật an toàn và thành công.
ThS.BS Phạm Công Khánh - Phó trưởng khoa Nội soi (Bệnh viện Đại học y dược) cho biết, dị vật đường tiêu hóa là tình trạng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, hầu hết 80% các trường hợp dị vật sẽ đi ra ngoài qua ngả hậu môn mà không gây biến chứng. Dị vật đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhất là từ 6 tháng đến 6 tuổi.
Ở người lớn, dị vật thường xảy ra ở người bệnh rối loạn tâm thần, chậm phát triển tâm thần, say rượu, hay những tù nhân cố ý nuốt dị vật. Những người bệnh không có răng hay sử dụng răng giả cũng thường bị dị vật đường tiêu hóa.