Hôm 22/10, Grab thông báo doanh thu quí III của họ đã tăng hơn 95% so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
"Doanh thu của chúng tôi tiếp tục phục hồi ổn định, với doanh thu trong quí III tăng lên hơn mức 95% so với doanh thu trước dịch Covid-19", Ming Maa, Chủ tịch Grab, phát biểu trong một email dành cho Reuters.
Hồi tháng 6, Grab thông báo họ đã sa thải khoảng 360 nhân sự để giảm chi phí. Công ty cũng giảm lương và thưởng của đội ngũ quản lí cấp cao. Mảng gọi xe sa sút nghiêm trọng do các nước thực thi các biện pháp giãn cách xã hội.
Hooi Ling Tan, người đồng sáng lập Grab, tiết lộ công ty lên kế hoạch cho "mùa đông dài sắp tới" để cắt giảm chi tiêu.
Ông Maa nói mảng giao món ăn của Grab đã đóng góp hơn 50% doanh thu, phản ánh nhu cầu tăng đối với dịch vụ giao món.
"Với nền tảng ấy, chúng tôi sẽ tập trung vào việc mở rộng dịch vụ tài chính và thương mại trong phần còn lại của năm", ông nói.
Grab vẫn chưa có lãi, song họ vừa nhận khoản đầu tư 200 triệu USD từ quĩ STIC Investments ở Hàn Quốc, theo Maa. Trong vòng gọi vốn ấy, quĩ STIC Investments định giá Grab là 15 tỉ USD. Hiện tại, họ vẫn là startup có giá trị vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á.
Tài chính cũng sẽ là mảng mà Grab muốn mở rộng trong tương lai. Một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng Grab đang nỗ lực đàm phán để huy động 300-500 triệu USD cho mảng tài chính của công ty. Các nhà đầu tư mà Grab đang tiếp cận là AIA, Prudential và một số công ty khác.
Nguồn tin cho biết các công ty bảo hiểm có thể đầu tư một nửa số tiền và giải ngân theo tiến độ từng vòng. Nếu rót vốn vào Grab, đây sẽ là lần đầu tiên AIA và Prudential đầu tư vào "kì lân" Singapore.
Grab Financial, công ty tài chính của Grab, được định giá 2 tỉ USD. Và với số vốn mới, Grab sẽ tiếp tục mở rộng các mảng kinh doanh liên quan đến tài chính, bên cạnh dịch vụ cốt lõi là gọi xe công nghệ.
Đầu năm nay, Grab đã nộp đơn lên chính quyền Singapore với mong muốn thành lập một ngân hàng số. Việc gọi vốn lần này có thể thúc đẩy chính phủ sở tại nhanh chóng ban hành giấy phép.