Con biết, mẹ yêu con và kỳ vọng vào con. Chính vì thế mà từ nhỏ, mẹ đã chuyên tâm dạy dỗ và đầu tư cho con học hết lớp nọ đến lớp kia. Mẹ nghe thông tin ở nơi nào có lớp dạy nhạc hay, lớp vẽ đẹp, mẹ đều xin cho con đi học. Mẹ cũng không quản công sức, tiền bạc để cho đi học tiếng Anh, học bơi. Mẹ luôn cố gắng để con gái mẹ là "số một", "vô địch thiên hạ"...
Con nhớ như in những hôm mưa như trút nước, đường ngập đến nửa bánh xe máy, mẹ vẫn nhẫn nại đưa đón con đi học thêm tiếng Anh. Hay nhiều hôm mẹ bỏ dở công việc ở cơ quan để về nhà chở con đi học đàn piano. Mẹ nói, mẹ có thể hy sinh công việc, sự nghiệp, chỉ cần con có một tương lai tốt đẹp.
Sự hy sinh của mẹ con găm vào tim. Thế nhưng, mẹ à, những cố gắng của mẹ và nỗ lực của con, mẹ cứ âm thầm thực hiện thì hay biết mấy. Đằng này, chỉ cần con có một chút thành tích, dù rất nhỏ thôi, nhưng mẹ đã khoe ầm ĩ khắp nơi. Trước kia, mẹ gọi điện hào hứng kể về con cả tiếng đồng hồ cho mọi người. Từ ngày có facebook, cứ vài ngày, mẹ lại có bài... khoe con.
Nào là "Mẹ thì một nốt nhạc không biết nên với mẹ, con chẳng khác gì một thiên tài âm nhạc"; "Sắc màu cuộc sống được thể hiện dưới nét vẽ của con vô cùng sinh động, quá yêu nữ họa sĩ tài ba của mẹ"; "Nhìn con bơi, mẹ tưởng tượng ra một Ánh Viên thứ hai"... Con thực sự cảm thấy "hãi hùng", xấu hổ khi mẹ đưa con lên tận mây xanh như vậy. Ở nhà, mẹ có thể nói thế nào cũng được. Thế nhưng, ở trên mạng xã hội, việc "con hát mẹ khen hay" rất phản cảm. Nhiều khi, con không biết giấu mặt vào đâu trước những lời tâng bốc về con như thế.
Ảnh minh họa. |
Mẹ còn khoe khoang thành tích học tập của con nhiều hơn. Năm nào cũng vậy, cứ ngày họp phụ huynh xong, mẹ lại chụp ảnh bảng điểm của con để tung lên mạng. Mẹ tự hào vì con luôn ở vị trí số 1, số 2 ở lớp với điểm các môn đều trên 9 phẩy. Ngày con được giải thành phố, mẹ cũng khoe con cho "cả làng facebook" biết. Lúc con thi lên lớp 10, dù chưa biết điểm, dù chỉ biết con làm bài khá tốt, mẹ đã "ầm ĩ" rằng sắp tới, con sẽ là thành viên của ngôi trường THPT danh giá nhất Hà Nội.
Dù không ít lần con góp ý rằng mẹ không nên khoe con nhiều như thế nhưng "bệnh khoe" của mẹ như "bệnh nan y" không thể thay đổi. Khoe con, mẹ tự hào nhưng con cảm thấy vô cùng áp lực. Lúc nào con cũng phải gồng mình, cố gắng bởi con biết mẹ kỳ vọng vào con rất nhiều. Hơn hết, vì mẹ trót khoe con nên con luôn phải giữ hình ảnh là đứa trẻ giỏi giang trong mắt những người quen của mẹ.
Mẹ không biết, nhiều khi con mệt mỏi lắm và chưa bao giờ con muốn là thiên tài âm nhạc, họa sĩ tài ba hay một học sinh xuất sắc. Con chỉ thích học những thứ mình yêu thích chứ không phải dồn thời gian suốt ngày để giữ vững phong độ vị trí top đầu của lớp.
Con gần như không có thời gian để nghỉ ngơi, giải trí. Con cảm tưởng rằng, con đang học cho mẹ, vì niềm tự hào của mẹ. Nhưng con thực sự sợ, cứ ở trong guồng đua với những lời khoe khoang của mẹ, con sẽ là người gục trước. Con muốn đầu hàng lắm rồi.
Việc mẹ khoe con nhiều như thế, mẹ có biết sẽ ảnh hưởng đến các bạn khác rất nhiều. Bố mẹ các bạn sẽ mang con ra để so sánh với các bạn và họ sẽ không được yên với bố mẹ mình. Lúc ấy, con vô tình trở thành tội đồ trong mắt các bạn. Con sẽ bị tẩy chay, các bạn sẽ nhìn con với đôi mắt ghẻ lạnh. Với mẹ, con là đứa trẻ đáng tự hào nhưng với các bạn, con lại là người đáng ghét.
Con ghét bị mẹ khoe vì những lý do như thế. Cuộc sống của một nữ sinh THPT như con còn rất nhiều điều cần khám phá, mẹ hãy để con trải nghiệm cuộc sống theo cách của con chứ đừng ép con phải hoàn hảo, phải là số 1 như mẹ kỳ vọng, mẹ nhé!
XEM THÊM
Dạy con đánh lại bạn có phải là phản giáo dục?
Dạy con đánh lại bạn có phải là phản giáo dục? Cùng trò chuyện với Tiến sĩ Phạm Thị Thúy - giảng viên Phân viện ... |
Cho con đi nhà trẻ sớm, ăn 3 bữa ở trường, tôi ‘nhàn thân’ hơn rất nhiều
Tôi vốn theo quan điểm “mẹ hạnh phúc thì con mới hạnh phúc” nên dù ai nói ngả nói nghiêng, dù có chỉ trích tôi ... |
10 dấu hiệu thông minh của trẻ 1-10 tuổi
Nếu sơ sinh, trẻ có đầu to hơn bình thường; ở tuổi lên 3, trẻ cao hơn các bạn; ở tuổi lên 5, bé biết ... |
Đánh trẻ có hại hay có lợi? Các nhà khoa học tiết lộ câu trả lời gây tranh cãi
Đó là một trong những cuộc tranh luận lớn nhất về nuôi dạy con cái, những nghiên cứu cho thấy gì? |
‘Ở Mỹ, trẻ con về nhà toàn chơi, kèm chúng học là hỏng’
"Ở Mỹ, trẻ về nhà toàn chơi và đọc sách. Bố mẹ không phải lo gì về việc học của con. Nước Mỹ giáo dục ... |