“Mẹ mình là lao công còn bố mình lái xe chở rác”
Tôi gặp chị Lê Thị Sâm (trú tại phường Vĩnh Phúc, Ba Đình) lúc chị đang mải miết với công việc vệ sinh đường phố của mình. Khi tôi đặt câu hỏi về việc liệu con cái của chị có mặc cảm về công việc của chị lúc nào cũng lấm lem, bụi bặm. Chị cười và không bất ngờ với câu hỏi của tôi.
Công việc bận rộn từ tối mịt đến 2-3 giờ sáng nhưng chị luôn vui khi nghĩ về những đứa con, về gia đình của mình. Ảnh T.Huyền |
Chị chia sẻ, không chỉ có chị mà chồng chị cũng làm công việc liên quan đến dọn dẹp vệ sinh, anh là công nhân lái xe chở rác. Chị tâm sự, sở dĩ câu hỏi của tôi không làm chị bất ngờ bởi không ít lần chị cũng tự hỏi chính bản thân như vậy.
Cả 2 vợ chồng đều làm môi trường, công việc chủ yếu về đêm và sáng nên thời gian dành cho con không nhiều. Dù vậy nhưng các con của chị, một lớp 3, một lớp 7 ở nhà ngủ ngoan và không khóc đòi bố mẹ.
Chị Sâm ngậm ngùi chia sẻ về công việc của mình: “Ăn vội bữa cơm tối rồi hai vợ chồng chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ bắt đầu việc dọn rác. Công việc cứ tất tả từ 7 giờ tối đến 2-3 giờ sáng hôm sau. Nhiều khi mong muốn ôm con ngủ yên giấc cũng khó”.
Điều khiến cả hai vợ chồng chị yên tâm làm việc nhất chính là hai đứa con mình ngoan ngoãn, biết nghe lời. “Còn nhỏ nhưng các con biết được sự vất vả và ý nghĩa công việc của bố mẹ. Không ngại ngần chia sẻ với bạn bè, thầy cô giáo”.
Chị Sâm nhớ lại lần cô giáo giao bài tập làm văn tả về bố mẹ mình, đôi mắt chị ngân ngấn nước. “Cô giáo sợ rằng con mình sẽ ngại khi kể về công việc của bố mẹ nên bảo con chỉ cần viết chung chung là bố mẹ làm công nhân thôi. Nhưng con mình vẫn kiên quyết nói với cô và bạn bè mẹ làm lao công còn bố là lái xe chở rác”.
Chị kể lại, có những chiều đi học về, ăn cơm tối xong con chị lại nhất quyết đòi đi làm cùng bố mẹ, đòi đi cùng các bác, các cô trong tổ lao công, tranh việc đẩy xe rác với mẹ.
“Mình không ngại khi người khác không muốn đến gần mình vì công việc liên quan đến rác thải bụi bẩn. Nhưng con cái mình không mặc cảm với bạn bè về nghề của bố mẹ là mình hạnh phúc nhất”, chị chia sẻ.
"Con cái không có quyền kỳ thị nghề nghiệp của bố mẹ"
Mẹ làm nghề quét rác đã hơn 10 năm, bố làm thợ xây phải nay đây mai đó đi theo công trình nhưng Nguyễn Thị Loan, sinh viên năm hai ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) chưa bao giờ tự ti với bạn bè của mình về nghề của bố mẹ.
Loan chia sẻ: "Tuy đồng lương của bố mẹ không cao nhưng chính nhờ vào đó mà tôi mới có cơ hội được thi hai lần đại học, được tự chọn ngôi trường, ngành học mà mình thích. Tôi cho rằng con cái thì không nên và cũng không có quyền kỳ thị nghề nghiệp của bố mẹ. Cho dù công việc ấy phải chịu nhiều bụi bặm, lăn xả ngoài đường cả ngày hay ngồi trong những văn phòng máy lạnh, điều hòa".
Nguyễn Thị Loan cho biết, mức lương từ nghề lao công của mẹ không cao, lại thường phải làm việc đến đêm muộn nên bạn rất xót cho mẹ mình. "Có những ngày mưa tầm tã giữa đêm, tôi ngồi học bài đến 1h sáng chờ mẹ về mà vẫn không thấy. Khoảng một lúc sau thì nghe tiếng chân mẹ về, mở cửa thấy mẹ mặc áo mưa mà vẫn ướt nhẹp từ đầu đến chân, dù xót nhưng tôi biết rằng đó đã là nghề của mẹ rồi".
Chia sẻ mặc cảm về nghề nghiệp của mình, cô Phạm Thị Luận (Văn Điển, Hà Nội) - mẹ của Loan hồ hởi cho biết: "Nghề của mình thì sao mình phải mặc cảm chứ. So với bạn bè mình khó có thể bằng họ nhưng mỗi người một nghề khác nhau. Có nghề nọ thì tất phải sinh ra nghề kia, chẳng có nghề nào là thừa thãi trong xã hội cả".
Cô cho biết con gái mình chưa bao giờ phàn nàn về việc mẹ đi làm về muộn và không mặc đồ đẹp, không đi xe đắt tiền. Loan vẫn thường xuyên mời bạn bè cùng lớp đại học về chơi, học nhóm, làm bài tập lớn hay tổ chức sinh nhật.
"Nhà tuy chật chội và không được bằng nhiều gia đình bạn bè khác nhưng tôi thấy các cháu vẫn chơi đùa với nhau rất vui vẻ. Loan cũng thường đến nhà các bạn mình chơi. Tôi thấy con mình hòa đồng với các bạn như vậy cũng yên lòng", cô Luận chia sẻ.