Bà mẹ 9X Nguyễn Thảo My (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đang làm “nức lòng” cư dân mạng, đặc biệt những chị em phụ nữ chuẩn bị lâm bồn khi có những chia sẻ đáng yêu về kinh nghiệm sinh con trong lần thứ 2.
Khác với lần sinh con đầu khi chọn một bệnh viện bình thường, lần này chồng Thảo My chọn cho vợ con bệnh viện xịn bậc nhất Hà Nội mà chi phí gia đình bỏ ra để “mẹ tròn con vuông” chỉ khoảng 26,5 triệu đồng.
Thảo My khoe ảnh đi đẻ và khuyên chị em nên... chi tiền. Ảhh chụp màn hình máy tính. |
Mặc dù con của Thảo My đã vài tháng tuổi nhưng mỗi lần nhớ lại câu chuyện đi đẻ của mình, My lại phấn khích chốt 1 câu “rất hài lòng!”.
Trong suốt quá trình chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện đi đẻ “nhẹ tựa lông hồng” của mình, Thảo My luôn giữ nụ cười phấn khởi và những từ ngữ khá hóm hỉnh: "Lúc đầu mình cũng tiếc tiền, băn khoăn không biết nên đi đẻ đắt thế không? Nhưng đẻ xong rồi mới thấy đáng đồng tiền bát gạo. Mình mua “vé trọn gói”và đến lúc phải đẻ chỉ cần vác mỗi bụng đến và đẻ thôi”.
Chị Thảo My khoe ảnh hai mẹ con khi mới sinh. Ảnh NVCC |
Bà mẹ 9x chia sẻ: “Mình hoàn toàn bất ngờ trước cơ sở vật chất của bệnh viện. Từ bác sĩ, y tá đến các bác vệ sinh cũng đều thân thiện và rất chu đáo, quan tâm chăm sóc sản phụ, em bé như người thân, nhẹ nhàng tình cảm! Đây chắc là điểm mình thích nhất.
Mình không phải mang gì cả, vì là trọn gói nên đủ hết đồ cho mẹ (bao gồm: quần áo, bỉm, băng vệ sinh, đồ dùng vệ sinh cá nhân...); đồ cho bé (bao gồm: đủ quần áo, khăn xô, bỉm, mũ, bao tay, bao chân, khăn quấn...).
Trước khi gây tê thì đau (kinh nghiệm qua 2 lần đẻ là tuyệt đối không kêu la, cắn răng chịu, hít thở sâu sẽ tốt hơn, đứa đầu mình kêu la mệt lả cả người). Sau khi gây tê rồi thì hết đau, toàn bộ người dưới cứ âm ấm, thoải mái dễ chịu vô cùng. Đúng là sự kỳ diệu của y học!
Mình nằm nói chuyện với chồng, online facebook chém gió với bạn bè rồi ngủ. Thỉnh thoảng y tá vào kiểm tra, đến lúc mở hết 10 phân thì gọi bảo chuẩn bị đẻ thôi. Gây tê có nút điều chỉnh để thêm lượng thuốc tê nếu đau quá, nhưng mình không thêm thuốc tý nào, chỉ đúng 1 lượng lúc đầu bác sĩ cho vào thôi.
Lúc đẻ thì các bác sĩ, y tá cũng rất nhẹ nhàng, tâm sự động viên. Mình rặn 3 phát là con ra. Mẹ được khâu vá thêu thùa vệ sinh nhanh chóng, vẫn còn thuốc tê nên mọi người làm gì mình cũng vẫn không cảm giác đau đớn gì cả. Rồi con được cho da tiếp da với mẹ luôn và tìm ti mẹ, yêu vô cùng.
Nằm ở phòng sinh 1 tiếng sau thì y tá vào vệ sinh sạch sẽ cho mình thay bỉm, quần áo cho mẹ, đóng bỉm mặc quần áo cho con. Mẹ được phục vụ 1 bát phở gà, sữa, bánh. Mình chén hết sạch vì đẻ xong... đói!”.
Gia đình hạnh phúc của bà mẹ trẻ Thảo My. Ảnh NVCC |
Nằm viện được 1 ngày sau sinh, chị Thảo My được xuất viện trong tình trạng vô cùng khỏe mạnh như vừa đi một chuyến “du lịch” đặc biệt về.
Chị chia sẻ: “Ra viện về nhà mình cũng rất khoẻ, hết thuốc tê cũng không đau, đau bụng do ra sản dịch 1 chút, hơi đau lưng 1 tý. Bác sỹ có giải thích với mình là: Mọi người nói gây tê màng cứng sau này bị đau lưng là sai, 3 ngày sau sinh vết khâu đã xiu hết, mọi thứ dần trở lại như bình thường, 5 ngày sau sinh hết sản dịch khoẻ re luôn.
Mình ăn uống như người bình thường, vận động đi lại nhẹ nhàng, cho con ti hoàn toàn không hề dùng sữa ngoài, dù 3 ngày đầu sữa chưa về nhưng mình vẫn tự tin, thoải mái vì đã có kinh nghiệm và kiến thức nuôi con. Mình tắm rửa và gội đầu từ 2 ngày sau sinh vì mình thấy thoải mái và ngủ ngon hơn với 1 cơ thể khoẻ mạnh sạch sẽ.
Và “cứ chọn chỗ xịn nhất trong điều kiện cho phép là được” là kinh nghiệm chị Thảo My rút ra sau 2 lần vượt cạn để lấy đó làm kinh nghiệm truyền tải tới chị em phụ nữ.
“Trước đây, mình đẻ bé đầu ở bệnh viện huyện, đẻ kêu đến mệt lả, đẻ xong đau đớn, mất sức, vết khâu xấu, sưng, bế sản dịch... rón rén như con mèo hen cả tháng trời. Nói chung là tiền nào của nấy. Sức khoẻ là điều đáng quý nhất! Các chị em cứ “xõa” thôi”, chị Thảo My cười.