Vẫn mắc kẹt với cổ phiếu ngân hàng
Giống như nhiều "ông lớn" nhà nước khác, Tổng công ty viễn thông Mobifone đã rót hàng ngàn tỷ đầu tư ngoài ngành. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng - ngành "nóng" một thời cũng nằm trong danh mục đầu tư của Mobifone.
Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu ngân hàng giảm rất sâu. Khoản đầu tư vào ngành ngân hàng của Mobifone đã giảm giá trị. Theo chủ trương của Chính phủ, Mobifone đã thực hiện việc thoái vốn khỏi các ngân hàng, tuy nhiên việc này không dễ dàng.
Theo kế hoạch, ngày 25/4/2016, Mobifone bán đấu giá 33,4 triệu cổ phần tại ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) với giá khởi điểm là 9.600 đồng/CP. Cùng ngày, MobiFone đấu giá 14,28 triệu cổ phần, tương đương 2,57% vốn tại ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) với giá khởi điểm: 8.900 đồng/CP. Mức giá khởi điểm của cả TPBank và SeaBank đều thấp hơn mệnh giá.
Kế hoạch bán các cổ phiếu ngân hàng dưới mệnh giá nằm trong lộ trình thoái vốn của Mobifone không thành công khi cả 2 phiên đấu giá này đều bị hủy do không đủ nhà đầu tham gia đăng ký đấu giá.
Đầu tháng 3/2017, Mobifone công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp năm 2016. Mobifone cho biết, kết quả Mobifone đã hoàn thành thoái một phần vốn góp tại TPBank, tuy nhiên, chưa thoái vốn được cổ phần tại SeaBank và một phần vốn còn lại tại TPBank.
Phía Mobifone lý giải, sở dĩ tổng công ty này chưa thoái vốn thành công tại SeABank và TPBank là do thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều khó khăn, thanh khoản của các cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết còn thấp.
Năm 2017, Mobifone cho biết sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn còn lại tại 2 ngân hàng. Đối với 4 công ty con gồm: Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Mobifone, Công ty Cổ phần Công nghệ Mobifone Toàn cầu, Công ty Cổ phần Dịch vụ gia tăng Mobifone và Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu, Mobifone sẽ giữ nguyên tỷ lệ sở hữu.
Thế nhưng, tới cuối quý 2/2017, trong danh sách "Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác" không còn tên SeaBank. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Mobifone, tại thời điểm cuối quý 2, Mobifone đầu tư 318 tỷ đồng vào ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank) và gần 49 tỷ đồng và TPBank.
Với hai khoản đầu tư này, giá trị đầu tư được bảo toàn và Mobifone không phải trích lập dự phòng rủi ro.
Vay nợ tăng cao
Thêm 1 điểm đáng lưu ý trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của Mobifone là Mobifone đi vay nợ khá nhiều. Trong đó, lượng vay của Mobifone tại ngân hàng ít hơn lượng vay tại các công ty con và công ty liên quan.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm, tại thời điểm cuối quý 2, tổng nợ phải trả tại Mobifone là 9.193 tỷ đồng, bằng 50% vốn chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ và thuê tài chính đạt 1.764 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, Mobifone vay 350 tỷ đồng của công ty cổ phần An Viên B.P - một công ty liên kết của Mobifone. Hiện tại, Mobifone đã rót 1.800 tỷ đồng vào An Viên B.P. Ngoài ra, Mobifone nợ công ty cổ phần An Viên 600 tỷ đồng. Đây là khoản nợ dài hạn đến hạn trả.
Phần còn lại là các khoản Mobifone vay từ các ngân hàng thương mại khác. Những khoản nộ vay này khiến Mobifone phải trả hơn 20 tỷ đồng tiền lãi vay trong 6 tháng đầu năm. Con số này cùng kỳ năm 2016 là hơn 47 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động của Mobifone có nhiều khởi sắc. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 20.870 tỷ đồng, tăng 3.091 tỷ đồng, tương ứng 17,4% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Do các chi phí (ngoại trừ chi phí lãi vay) đều tăng nên lợi nhuận của Mobifone có tốc độ tăng chậm hơn doanh thu. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Mobifone đạt 2.644 tỷ đồng, tăng 109 tỷ đồng, tương ứng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.