Có những buổi mở bán chật kín… nhân viên môi giới |
Trong cuộc trò chuyện mới đây, ông Hoàng Đức Tuyên – Giám đốc AST Land tiết lộ, có đến 85% môi giới bất động sản nghỉ dưỡng đang không có thu nhập vì không bán được hàng. Và chỉ có khoảng 25% môi giới tồn tại với nghề sau 6 tháng. 25% đó cũng rơi rụng dần dần và cuối cùng sau 2 năm cũng chỉ còn khoảng 10% của phần 25% đó còn tồn tại với nghề.
Nghề không dành cho số đông
Nguyên nhân được ông Tuyên đưa ra là do thời điểm bất động sản nghỉ dưỡng nóng sốt, các sàn tuyển dụng ồ ạt, thậm chí có những buổi mở bán khách hàng không thấy mà thấy đến 500 – 600 nhân viên bán hàng.
Số lượng nhân viên đông khiến các sàn không đào tạo kịp cho tất cả các nhân viên. Môi giới không được ai giúp đỡ khiến họ phải tự “bơi”, bán được thì ăn không được thì nghỉ, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Dạo một vòng trên các trang rao vặt, giới thiệu việc làm có thể thấy nhu cầu tuyển dụng nhân viên môi giới ở các sàn giao dịch và công ty kinh doanh bất động sản hiện nay tương đối cao. Có nơi đăng tuyển từ 50 – 400 nhân viên. Nội dung đa số ghi “không cần kinh nghiệm”, có nơi ghi “không cần bằng cấp mà chỉ cần có tố chất kinh doanh và đam mê”.
Về mức lương cơ bản 3-9 triệu đồng nhưng mức hoa hồng 30-40%, một tháng được ít nhất 30 triệu đồng. Có nơi còn hứa hẹn nếu làm việc cho họ, mỗi tháng nhân viên sẽ kiếm 150 triệu đồng dễ như trở bàn tay.
Phần lớn đối tượng mà các sàn tuyển dụng chủ yếu là những sinh viên mới tốt nghiệp đại học hoặc học xong lớp 12, không nhất thiết phải học chuyên ngành bất động sản hoặc marketing.
Lý giải tình trạng này, ông Tuyên cho biết, thị trường bất động sản luôn có tính chu kỳ và ở Việt Nam thông thường chu kỳ này là 8 - 10 năm. Năm 2014 thị trường bất động sản bắt đầu hồi phục, 2015 tăng trưởng mạnh và bất động sản nghỉ dưỡng thông thường sẽ đi sau thị trường truyền thống khoảng 6 tháng đến một năm.
“Môi giới không phải là một nghề dễ kiếm tiền. Nhất là ở giai đoạn hiện nay không giống như năm 2007 – 2008, khi mà môi giới có thể là những người xe ôm, chợ búa hành nghề. Giai đoạn này đòi hỏi người môi giới phải có nhiều kỹ năng, trình độ, kiến thức và đặc biệt yêu nghề mới làm được” – ông Tuyên cho biết.
Nhận thấy bất động sản đã qua rồi thời kỳ làm ăn chộp giật, “cắt máu” lẫn nhau, mới đây hàng loạt sàn giao dịch đã phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình.
Bằng chứng là STDA – một trong những sàn giao dịch lớn nhất Hà Nội cũng đã chuyển hướng sang đầu tư công nghệ. Thay vì tuyển dụng ồ ạt sale đi tư vấn khách hàng thì giờ STDA đã up toàn bộ thông tin dự án mà đơn vị phân phối lên trang web nghemoigioi.vn. Khách hàng có thể vào tìm hiểu mọi thông tin liên quan đến dự án.
“Chúng tôi hướng tới tập trung vào chất hơn là lượng. Bằng chứng là những buổi mở bán chúng tôi chỉ huy động khoảng 20 sale hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho khách hàng và giúp khách hàng trong các khâu đặt cọc, thanh toán, làm hợp đồng” – ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group tiết lộ.
Còn ông Hoàng Đức Tuyên – Giám đốc AST Land cho biết, ngay từ khi thành lập công ty đã chú trọng đến việc tuyển dụng ít nhưng chất lượng, để đào tạo các bạn thành nhân viên chuyên nghiệp, để ai cũng kiếm được tiền, ít nhất là đảm bảo cuộc sống của mình và gia đình, tránh được trường hợp tuyển môi giới vào nhưng không có việc làm.
Ông Tuyên cũng thừa nhận, nhiều môi giới lúc đầu cứ nghĩ rằng bán được bất động sản như căn hộ, biệt thự là bán được bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên khi đi vào thực tế thì không hề đơn giản.
“Để bán được bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi nhân viên phải có kiến thức sâu về các kênh đầu tư, am hiểu vị trí bất động sản nghỉ dưỡng, hiểu sản phẩm, phân tích tài chính và dòng tiền. Trong khi hầu hết trên thị trường sale chỉ am hiểu sản phẩm, mà thiếu những kiến thức còn lại” – ông Tuyên cho biết.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Minh – Chủ tịch Câu lạc bộ VSC cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển từ năm 2014 trở lại đây và thời gian đầu ai cũng nghĩ mình sẽ bán được bất động sản nghỉ dưỡng nhưng qua thời gian thấy rằng, bất động sản không dành cho đa phần môi giới. Với những bạn trẻ mới ra trường thì cơ hội bán những căn hộ nghỉ dưỡng là vô vàn khó khăn.
Hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện có khoảng 30.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, và 1/3 trong số này đang bán bất động sản nghỉ dưỡng.
Dự báo, mức độ cạnh tranh của người làm nghề môi giới bất động sản nghỉ dưỡng năm 2017 – 2018 sẽ rất gay gắt khi thời gian này sẽ là cuộc chạy đua không ngừng nghỉ của các “ông lớn” bất động sản nghỉ dưỡng với nhiều sản phẩm "bom tấn" có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, với việc tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), những nhà môi giới của các nước sẽ cùng tham gia hoạt động môi giới bất động sản tại Việt Nam. Điều này có thể khiến thị phần của các đơn vị môi giới trong nước bị thu hẹp, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho những nhà môi giới đủ năng lực vươn ra thị trường khu vực.
Ông Nguyễn Văn Đính – Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, để tập trung vào “chất” của người làm nghề môi giới, Hội tiếp tục tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo để phối hợp tổ chức việc đào tạo lại và đào tạo sâu hơn, nâng cao trình độ chuyên môn của những người làm nghề môi giới. Đồng thời, Hội cũng sẽ truyền tải các công cụ hỗ trợ lên cổng thông tin, website giúp người làm nghề môi giới trao đổi, hoạt động thông qua hệ thống công nghệ điện tử để họ kinh doanh tốt hơn, hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả.
Bài toán thành công trong “cuộc chơi” môi giới bất động sản nghỉ dưỡng không phải là dễ, nó dường như chỉ đến với những người, những đơn vị có tâm và có tầm. Nói cách khác, với nghề môi giới dù là cá nhân hay doanh nghiệp nếu không uy tín, nếu không hội tụ đủ các “điều kiện cần và đủ” thì khó mà thành công.