Một phân khúc bất động sản có lượng giao dịch gấp 5 lần cùng kỳ

9 tháng đầu năm nay, toàn thị trường BĐS du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận 2.198 giao dịch, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm 2023. Song, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2022 thì mới bằng 21%.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn. (Ảnh tư liệu: Khải An).  

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng ghi nhận sự sụt giảm cả về nguồn cung lẫn tỷ lệ tiêu thụ theo quý. 

Về nguồn cung, trong quý III thị trường có khoảng 945 sản phẩm mới, bằng 35% quý II và tương đương cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung giảm mạnh chủ yếu do lượng sản phẩm mới của quý II chủ yếu đến từ 1 dự án quy mô lớn với gần 2.000 căn.

Tính chung 9 tháng đầu năm, toàn thị trường có 4.059 sản phẩm mở bán mới, tăng 80% so với 9 tháng đầu năm 2023. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2022 thì mới bằng khoảng 25%. 

Nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng qua các quý. (Nguồn: VARS). 

Về tình hình mua bán, có gần 400 giao dịch trong quý III. Trong đó, khoảng 94% lượng giao dịch đến từ các dự án condotel, tập trung tại khu vực miền Trung và Vũng Tàu. Tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 42% (tỷ lệ này trong quý II là 61%, cùng kỳ năm trước là 24%). 

Ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường VARS thông tin: "Sản phẩm được quan tâm là những dự án biệt thự nghỉ dưỡng có giá bán dưới 10 tỷ/căn và căn hộ du lịch giá dưới 3 tỷ/căn ở khu vực phát triển hoạt động du lịch.

Giao dịch vẫn tập trung ở thị trường thứ cấp do có nhiều lựa chọn với mức giá hợp lý hơn. Nhu cầu đầu tư phục hồi nhẹ khi các nguy cơ về pháp lý được quy định pháp luật mới xóa bỏ". 

VARS cho biết, tính chung 9 tháng đầu năm nay, toàn thị trường ghi nhận 2.198 giao dịch, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước. Song, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2022 thì mới bằng 21%. 

Dưới góc độ chuyên gia, ông Võ Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty DKRA Vietnam nhận định tại tọa đàm của Báo Người Lao Động rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều khó khăn. 

Vị này lý giải, nguyên nhân chủ yếu là do tác động từ các cam kết lợi nhuận trước đây giữa chủ đầu tư và khách hàng bị đổ vỡ, cộng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những tranh chấp pháp lý liên quan. Phân khúc này cần thêm thời gian để khắc phục và ổn định trở lại. 

Theo dự báo thị trường được DKRA đưa ra, nguồn cung condotel trong quý IV dự kiến dao động 200 - 300 căn, phân bổ chủ yếu tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung dao động khoảng 100 - 150 căn, tập trung chủ yếu ở Quảng Ninh. Nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng có khoảng 100 - 150 căn, chủ yếu tập trung ở Kiên Giang.

Sức cầu chung thị trường tiếp tục vẫn duy trì ở mức thấp, đà giảm có thể kéo dài đến hết năm 2024 và chưa có dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trong ngắn hạn. Mặt bằng giá bán sơ cấp khó có biến động mạnh trong quý IV. 

chọn