Mỗi tháng kinh doanh, Petrolimex lãi hơn 500 tỉ đồng, nhưng thực tế nhiều hơn con số này

6 tháng đầu năm, Petrolimex lãi trước thuế 3.056 tỉ đồng, tuy nhiên, thực tế, số tiền lãi có thể lên đến gần 3.200 tỉ.

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên sau kiểm toán. Nối tiếp kết quả kinh doanh khả quan của năm 2018, 6 tháng đầu năm, Petrolimex tiếp tục hoạt động hiệu quả và vượt chỉ tiêu đề ra.

Doanh thu giảm nhưng lãi mỗi tháng hơn 500 tỉ đồng

Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ nửa đầu năm nay của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt 91.662 tỉ đồng, giảm 5% so với cùng kì năm ngoái.

Giải thích về việc doanh thu sụt giảm, Petrolimex cho biết nguyên nhân doanh thu giảm chủ yếu do giá dầu thô thế giới bình quân 6 tháng năm 2019 giảm 12% so với cùng kì, trung bình còn 54,9 USD/thùng.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-04 lúc 10

Nửa đầu năm 2019, Petrolimex hoàn thành đến 58% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm nay. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

Tuy nhiên, nhờ cắt giảm được giá vốn bán hàng nên lợi nhuận gộp của Petrolimex đạt đến 7.321 tỉ, trong khi năm ngoái chỉ 7.244 tỉ đồng.

Ngoài ra, chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 3% và 10%, tổng chi phí này còn 4.551 tỉ đồng.

Nhờ việc mạnh tay cắt giảm này, lợi nhuận trước thuế của Petrolimex 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3.056 tỉ đồng. Trong khi đó, nửa đầu năm 2018, lãi trước thuế chỉ 2.822 tỉ, tương ứng mức tăng 8%. Kết quả kinh doanh này khiến Petrolimex hoàn thành đến 58% mục tiêu kế hoạch lãi trước thuế cho cả năm nay.

Với lợi nhuận trước thuế đạt được, nếu tính trung bình, mỗi ngày doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu này lãi gần 17 tỉ và mỗi tháng là hơn 500 tỉ đồng.

Petrolimex có thể lãi trước thuế thêm 135 tỉ đồng

Tuy nhiên, thực tế, đây chưa phải là mức lãi cao nhất mà Petrolimex có thể đạt được vào nửa đầu năm nay, bởi công ty kiểm toán chỉ ra rằng lợi nhuận trước thuế của Petrolimex có thể tăng thêm  đến 135 tỉ đồng.

Theo phía kiểm toán, nguyên nhân là một công ty con của Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với số tiền 135 tỉ đồng, dựa trên ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm nay. 

xanga92_anhngocduong11_flrj

Bán xăng dầu, mỗi tháng Petrolimex lãi hơn 500 tỉ đồng. (Ảnh: Thanh Niên).

Trong khi đó, theo quy định của Chuẩn mực kế toán Việt Nam, thì dự phòng giảm giá hàng tồn kho cần được lập dựa trên ước tính giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kì kế toán, tức 30/6/2019. 

Như vậy, nếu tính theo ý kiến của kiểm toán thì lợi nhuận trước thuế của Petrolimex nửa đầu năm nay lên đến gần 3.200 tỉ đồng, tăng hơn 13% so với khoản lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018.

Giải thích về sự ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay theo thông lệ hàng năm, nhu cầu về xăng dầu của các hãng hàng không tăng cao vào những tháng cuối quý II và quý III, Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex đã nhập một lượng hàng dự trữ để đảm bảo nhu cầu này.

Tuy nhiên, cuối quý II, hàng tồn kho tăng cao do 1 khách hàng lớn giảm sản lượng mua. Petrolimex cũng cho biết thêm 2 tháng đầu của quý II/2019, giá xăng dầu tăng và giảm vào tháng 6, dự kiến xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra đến hết năm.

"Do đó, thay vì trích lập dự phòng theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày kết thúc kì kế toán, công ty đã trích lập dựa trên những ước tính về sự suy giảm giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho đến cuối năm 2019 theo nguyên tắc thận trọng", đại diện Petrolimex cho biết.

Mảng kinh doanh nào đem lại nhiều lợi nhuận nhất?

Mảng kinh doanh xăng dầu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế của Petrolimex. 

Cụ thể, 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế hoạt động kinh doanh xăng dầu là 1.628 tỉ đồng, chiếm 53% tổng lợi nhuận hợp nhất. Sản lượng xuất bán xăng dầu tương ứng đạt hơn 5,1 triệu m3/tấn, tăng 1% so với cùng kì 2018.

Ảnh chụp Màn hình 2019-09-03 lúc 17

Mảng kinh doanh xăng dầu chiếm đến 53% lợi nhuận Petrolimex nửa đầu năm 2019. (Đồ hoạ: Phúc Minh).

47% lợi nhuận còn lại đến từ các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu như hóa dầu, nhựa đường, kinh doanh gas…

Trong nhóm này, lĩnh vực hoá dầu, nhựa đường, hóa chất góp nhiều lợi nhuận nhất, với 380 tỉ. Đứng thứ hai là các lĩnh vực xây lắp, cơ khí, thiết bị, công nghệ thông tin, dịch vụ… và hoạt động tài chính đạt 319 tỉ.

Lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh kho đạt 131 tỉ đồng. 

Lợi nhuận từ lĩnh vực nhiên liệu hàng không, vận tải đường thủy - bộ lần lượt đạt 312 tỉ, và 122 tỉ đồng.

Mảng kinh doanh gas cũng giúp Petrolimex thu được 104 tỉ và lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất, với 64 tỉ đồng.

Tính đến cuối tháng 6, Petrolimex có tất cả 55 công ty con, gồm 43 công ty xăng dầu do Tập đoàn sở hữu 100% vốn thuộc khối Xăng dầu trực thuộc và 12 công ty con khác. Ngoài ra, Petrolimex còn có 10 công ty liên doanh, liên kết khác, giảm 1 công ty so với đầu năm.

Tổng nguồn vốn tính đến cuối quý II/2019 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đạt hơn 58.470 tỉ đồng. Nợ phải trả cũng tăng mạnh lên gần 36.000 tỉ, trong đó phần lớn là các khoản vay ngắn hạn và phải trả người bán.

Chuẩn bị giảm vốn Nhà nước, sáp nhập PGBank

Định hướng 6 tháng cuối năm, Petrolimex cho biết sẽ điều chỉnh linh hoạt cơ cấu, chủng loại sản phẩm kinh doanh phù hợp nhu cầu từng vùng thị trường, kết hợp với chính sách khuyến khích gia tăng sản lượng đối với các mặt hàng có hiệu quả.

"Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển mới cửa hàng xăng dầu trên các trục đường mới mở, nâng cấp hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện có và triển khai xây dựng kho xăng dầu Thanh Hóa", đại diện Petrolimex cho biết thêm.

Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng và hoàn thiện phương án giảm vốn Nhà nước theo quyết định 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ và phương án sáp nhập PGBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng cho biết thêm sẽ triển khai đồng bộ việc thực hiện sắp xếp lại, xử lí cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu của Tập đoàn trong nửa cuối năm 2019.