Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong các năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Trong 3 năm liền, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015, 2016), đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quan trọng này. Trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực.
|
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2016-2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 bậc so với năm trước. Thực tế, chỉ số của Việt Nam vẫn cải thiện hơn năm trước, nhưng do tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng.
Kết quả đánh giá qua các năm cũng cho thấy, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19; khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng thể chế, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng.
Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán tái cơ cấu tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), cơ cấu lại thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, xử lý hiệu quả nợ xấu…) và tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công); tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập.
Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh năng suất nội bộ ngành. Phát triển mạnh khu vực tư nhân; phát huy tiềm năng thế mạnh, tăng cường hợp tác liên kết vùng, vai trò đầu tàu và tác động lan toả của các vùng kinh tế động lực.
Nói về tình hình nợ xấu, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, theo kinh nghiệm của nhiều nước, để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả thì cần phải có nguồn lực về tài chính, có nước phải chi rất nhiều tiền, có thể lên tới 10-15% GDP.
Thời gian qua, trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn rất khó khăn, việc xử lý nợ xấu không sử dụng trực tiếp từ nguồn ngân sách Nhà nước mà được thực hiện thông qua các biện pháp như trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro, tăng cường thu hồi nợ, bán, phát mại tài sản bảo đảm thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp, thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) để mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng bằng trái phiếu đặc biệt VAMC, tổ chức tín dụng sử dụng trái phiếu này để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.
Để giải quyết căn bản nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, triển khai cơ chế mua, bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.
Trên cơ sở đánh giá, tổng kết tình hình xử lý nợ xấu giai đoạn 2011-2015, việc sử dụng các nguồn lực tài chính để xử lý nợ xấu của nền kinh tế thời gian tới sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu và tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, bảo đảm đúng quy định pháp luật, an toàn nợ công, công khai, minh bạch, hiệu quả.
PV (Tổng hợp)