Một số lỗi hay mắc và mức phạt trong việc đăng ký kinh doanh

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp sau 10 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi.

Ngày 1/6/2016, Chính phủ ban hành Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/7/2016 và thay thế Nghị định số 155/2013/NĐ-CP. Nghị định mới có 60 điều, tăng 8 điều so với Nghị định 155/2013/NĐ-CP. Các điều tăng thêm liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội, xử lý vi phạm về con dấu... với nhiều nội dung mới.

Căn cứ pháp lý

- Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012.

- Luật đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014.

- Luật doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014.

- Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014.

- Luật đấu thầu ngày 26 tháng 11 năm 2013.

- Luật xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014.

- Luật hợp tác xã ngày 20 tháng 11 năm 2012.

- Nghị định 50/2016/NĐ-CP.

11 hành vi trong lĩnh vực đăng đăng ký kinh doanh và mức phạt mới mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thường mắc phải

1. Vi phạm quy định về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Nghị định 50/2016/NĐ-CP đã chia mức phạt thành 3 trường hợp theo thời gian chậm trễ thay đổi quá thời gian quy định.

Cụ thể tại Điều 25 Nghị định:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký thay đổi các nội dung Giấy chứng nhận doanh nghiệp theo quy định đối với hành vi vi phạm trên.

2. Vi phạm quy định công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước không đầy đủ, không chính xác;

- Có nhiều hơn một (01) người đại diện theo pháp luật nhưng không thông báo với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc không công khai trên cổng thông tin hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp;

- Thực hiện công bố thông tin qua người được ủy quyền công bố thông tin nhưng không gửi thông báo ủy quyền tới cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- Không có văn bản báo cáo giải trình với cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc thay đổi nội dung thông tin đã công bố;

- Tạm hoãn công bố thông tin nhưng không báo cáo lý do của việc tạm hoãn hoặc không gửi thông báo đề nghị hoãn công bố thông tin cho cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không định kỳ công bố thông tin;

- Không thực hiện công bố chiến lược phát triển doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để công bố;

- Không thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và năm (05) năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt;

- Không xây dựng báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ công ích và trách nhiệm xã hội (nếu có);

- Không công bố tình hình thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp hàng năm, báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc bổ sung hoặc sửa đổi nội dung thông tin công bố; Buộc báo cáo, thông báo hoặc công khai thông tin theo quy định; Buộc thực hiện công bố thông tin theo quy định.

mot so loi hay mac va muc phat trong viec dang ky kinh doanh
Một số lỗi hay mắc và mức phạt trong việc đăng ký kinh doanh - Ảnh minh họa.

3. Hành vi không chuyển đổi loại hình doanh nghiệp khi công ty không còn đủ số lượng thành viên, cổ đông tối thiểu theo quy định trong thời hạn 6 tháng liên tục sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

4. Vi phạm về nghĩa vụ báo cáo, thông báo.

Thông báo thay đổi nội dung đăng k,ý doanh nghiệp vượt quá thời hạn quy định (Điều 31 Nghị định 50):

- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 01 đến 30 ngày.

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.​

Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi đặt trụ sở chính về việc có thông tin hoặc có thay đổi các thông tin về họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú, số cổ phần và loại cổ phần của cổ đông là cá nhân nước ngoài; tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính, số cổ phần và loại cổ phần và họ, tên, quốc tịch, số hộ chiếu, địa chỉ thường trú người đại diện theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức nước ngoài đối với công ty cổ phần không phải là công ty niêm yết. Vi phạm quy định này bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Điểm đ Khoản 1 Điều 32).

Đăng ký tạm ngừng kinh doanh nhưng không thông báo tạm ngừng hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm a Khoản 2 Điều 32).

Sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu, thay đổi số lượng con dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp bị phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (Điểm b Khoản 2 Điều 32).

5. Vi phạm quy định thành lập Ban kiểm sát.

Hành vi tổ chức Ban kiểm soát không đúng hoặc không đầy đủ thành phần theo quy định sẽ bị phạt 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (mức phạt cũ là 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

6. Vi phạm thủ tục giải thể.

Nghị định mới quy định hành vi không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn quyết định giải thể và biên bản họp tới cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và người lao động sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng ( Điểm b Khoản 1 Điều 36).

7. Vi phạm quy định đối với doanh nghiệp tư nhân.

Nghị định mới quy định phạt doanh nghiệp tư nhân có hành vi:

- Góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần;

- Không ghi chép đầy đủ việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư; toàn bộ vốn và tài sản kể cả vốn vay và tài sản thuê được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vào sổ kế toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

Sẽ bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

8. Vi phạm quy định đối với hình thức công ty mẹ - con.

Phạt công ty mẹ - công ty con có hành vi sau:

- Công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ;

- Các công ty con của cùng một công ty mẹ cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau;

- Các công ty con có cùng công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Sẽ bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 39).

9. Doanh nghiệp sử dụng ít hơn 51% tổng lợi nhuận hàng năm để tái đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điều 40).

10. Vi phạm về việc tạm ngừng kinh doanh của hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh có hành vi:

- Không tiến hành hoạt động kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh;

- Ngừng hoạt động kinh doanh quá 06 tháng liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

Sẽ bị phạt 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng ( Khoản 2 Điều 42).

11. Vị phạm quy định đối với hợp tác xã.

Nghị định 50 quy định một số hành vi bị phạt đối với hợp tác xã như sau:

Hành vi

Mức phạt

Sử dụng các nguồn vốn thuộc tài sản không chia của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp.

Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp có tổng mức đầu tư vượt quá 50% vốn Điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất trước thời Điểm thực hiện góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp.

Không thông báo với cơ quan đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký sau khi góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Hợp tác xã không thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của Điều lệ cho thành viên, hợp tác xã thành viên.

Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng

Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập không đúng quy định.

Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Việc quản lý sử dụng vốn nhà nước

Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc công khai, minh bạch mọi hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 50/2016/NĐ-CP dành điều 27 nêu và xử lý các hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

Trong đó xử phạt rất nặng (từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng) đối với các hành vi mà nhiều người cho rằng rất đơn giản như không định kỳ công bố thông tin hay không thực hiện công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm của doanh nghiệp đã được phê duyệt... Những việc này doanh nghiệp dân doanh không phải làm nhưng doanh nghiệp nhà nước bắt buộc phải thực hiện, để tăng tính giám sát của cả cộng đồng.

Ngay từ các chương đầu, Nghị định 50/2016/NĐ-CP đưa ra các chế tài rất mạnh để xử lý các các vi phạm trong sử dụng vốn đầu tư công như phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 đồng đồng đối với hành vi cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án; phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng hoặc vượt tiêu chuẩn, định mức đã được phê duyệt.

Những đây mới chỉ là xử phạt vi phạm hành chính. Cùng với đó, người đại diện theo ủy quyền phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, những người quản lý hay những người có liên quan đến đầu tư công, sử dụng, quản lý vốn nhà nước còn phải chịu trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm người đứng đầu và nhiều trách nhiệm dân sự, thậm chí là hình sự.

Trong lĩnh vực đấu thầu, quản lý vốn đầu tư công

Đối với lĩnh vực quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, vi phạm các quy định về báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và không tuân thủ trình tự, thủ tục và điều kiện điều chỉnh chương trình, dự án sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 15 triệu đồng, tùy theo hành vi và mức độ vi phạm. Vi phạm quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), mức phạt tiền là từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng, và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng với dự án đối với hành vi vi phạm…

Đặc biệt, trong lĩnh vực quản lý đấu thầu, vi phạm các quy định về kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư (KHLCNT, NĐT) sẽ bị phạt từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Vi phạm các quy định về hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, mức phạt tiền là từ 5 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Vi phạm các quy định về tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, mức phạt là từ 1 triệu đồng đến 40 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về thương thảo hợp đồng đối với lựa chọn nhà thầu và đàm phán sơ bộ hợp đồng đối với lựa chọn nhà đầu tư là từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng...

Riêng đối với vi phạm quy định về đăng tải thông tin trong đấu thầu, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi đăng tải KHLCNT, NĐT muộn hơn so với quy định nhưng trước thời điểm thông báo mời thầu, gửi thư mời thầu gói thầu, dự án thực hiện đầu tiên của KHLCNT, NĐT. Mức phạt tiền là từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với trường hợp đăng sau thời điểm thông báo mời thầu, gửi thư mời thầu gói thầu, dự án thực hiện đầu tiên của KHLCNT, NĐT; đăng tải thông tin về đấu thầu không đầy đủ nội dung hoặc không đúng thẩm quyền.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.