Một số lưu ý khi xây dựng thang, bảng lương năm 2017

Việc xây dựng thang lương, bảng lương là trách nhiệm của người sử dụng lao động và cũng là công việc bắt buộc được quy định tại Bộ luật lao động 2012. 

Khoản 10 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính khi có sai phạm trong việc xây dựng thang lương, bảng lương như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không gửi thang lương, bảng lương, định mức lao động đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện theo quy định.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Không xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động hoặc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định pháp luật; Sử dụng thang lương, bảng lương, định mức lao động không đúng quy định khi đã có ý kiến sửa đổi, bổ sung của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; Không công bố công khai tại nơi làm việc thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế thưởng; Không thông báo cho người lao động biết trước về hình thức trả lương ít nhất 10 ngày trước khi thực hiện. ...

Để tránh bị phạt như trên, người sử dụng lao động nên tuân thủ đúng quy định về xây dựng, nộp và kê khai thang lương, bảng lương.

Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp tự mình xây dựng thang lương, bảng lương để nộp cho Sở lao động thương binh xã hội. Hồ sơ xây dựng thang, bảng lương bao gồm:

  • Hệ thống thang, bảng lương;

  • Công văn đăng ký hệ thống thang bảng lương;

  • Quyết định để ban hành hệ thống thang bảng lương;

  • Biên bản thông qua hệ thống thang bảng lương;

  • Các quy định tiêu chuẩn và điều kiện áp dụng chức vụ;

  • Quy chế về tiền lương, phụ cấp và tiền thưởng.

Khi xây dựng thang lương, bảng lương, doanh nghiệp cần căn cứ vào Nghị định 49/2013/NĐ-CP và Nghị định 153/2016/NĐ-CP để xây dựng thang lương, bảng lương cho năm 2017, lưu ý các chỉ tiêu như sau:

  • Bậc lương: Doanh nghiệp, công ty có thể xây dựng bao nhiêu bậc cũng được, thường thì các doanh nghiệp hay xây dựng 10 bậc. Người lao động khi mới vào làm việc, sẽ là bậc 1, và theo quy chế tăng lương của doanh nghiệp, mỗi lần tăng lương sẽ lên một bậc, các trường hợp đặc biệt có thể được nâng vượt bậc. Trong đó:

    • Bậc 1 không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Trong một bậc có thể có nhiều nhóm, phân cấp tương ứng với các vị trí nhóm chức danh như: Giám đốc - Phó giám đốc - Trưởng phòng,... Người lao động đã qua đào tạo thì phải cao hơn ít nhất là 7% mức lương tối thiểu vùng; Người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì mức lương phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh của điều kiện lao động bình thường.

    • Bậc 2: Lớn hơn bậc 1 là 5% và tương tự. Miễn là khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%.

  • Nhóm chức danh, vị trí công việc: Căn cứ vào chức danh, vị trí công việc thực tế tại doanh nghiệp và phân nhóm cùng chung một mức lương.

  • Mức lương tối thiểu: Doanh nghiệp sẽ căn cứ vào mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 153/2016/NĐ-CP để áp dụng (tùy theo từng vùng)

Vùng

Mức lương tối thiểu (Đồng)

I

3.750.000

II

3.320.000

III

2.900.000

IV

2.580.000

Cần lưu ý là thang lương, bảng lương phải được định kỳ rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển của công ty, doanh nghiệp và bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật lao động.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.