Mới đây, TAND quận 3 (TP.HCM) đã bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của các ông D., T., Đ., H. trong bốn vụ tranh chấp đòi tiền lương làm thêm giờ với một ngân hàng.
Bốn ông D., T., Đ., H. đều là nhân viên bảo vệ cũ của ngân hàng trên. Cả bốn vụ khởi kiện của họ đều có nội dung tương tự nhau khi họ yêu cầu ngân hàng phải trả tiền làm thêm giờ và tiền lãi chậm thanh toán, tổng cộng hơn 2 tỷ đồng.
Theo đơn khởi kiện của bốn nguyên đơn, họ được ngân hàng trên tuyển dụng vào vị trí nhân viên bảo vệ, được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ xác định thời hạn đến không xác định thời hạn. Thời gian bắt đầu làm việc của họ tại ngân hàng không giống nhau nhưng nằm trong khoảng từ năm 2002 đến nay.
Những người lao động (NLĐ) này trình bày họ làm việc 12 giờ/ngày, bảy ngày/tuần, không được nghỉ cuối tuần, lễ, Tết mà chỉ được nghỉ 12 ngày phép/năm. Tuy nhiên, ngân hàng không trả tiền làm thêm giờ (làm thêm 4 giờ/ngày thường, 12 giờ/ngày nghỉ hàng tuần cũng như ngày lễ, Tết) cho họ. Do nhiều lần yêu cầu ngân hàng thanh toán tiền làm thêm giờ không được nên họ khởi kiện yêu cầu TAND quận 3 (nơi phía ngân hàng có trụ sở) giải quyết.
Làm việc với tòa, phía ngân hàng cùng luật sư bảo vệ trình bày theo nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể giữa ngân hàng và đại diện NLĐ (đã đăng ký với Phòng LĐ-TB&XH quận 3) thì nhân viên bảo vệ của ngân hàng làm việc theo ca trực và ca trực tương đương với 12 giờ/ngày.
Phía ngân hàng cho rằng trong suốt quá trình làm việc, NLĐ không có bất kỳ khiếu nại hay ý kiến gì cho thấy đã có sự đồng thuận về thời gian làm việc giữa NLĐ và ngân hàng.
Cũng theo phía ngân hàng, theo quy chế tiền lương do ngân hàng ban hành thì mức lương mà NLĐ được nhận bao gồm lương cơ bản + lương ngoài giờ + khoản hỗ trợ (nếu có) nên đã bao gồm cả tiền lương làm thêm giờ. Để chứng minh, phía ngân hàng đã dẫn chứng bảng cơ cấu thu nhập của NLĐ, sao kê tài khoản lương của NLĐ, bản giải trình cách tính tiền lương của NLĐ trong một số tháng cụ thể...
Xử sơ thẩm mới đây, TAND quận 3 nhận định việc ngân hàng và NLĐ thỏa thuận thời giờ làm việc 12 giờ/ca/ngày, trong đó có tám giờ làm việc bình thường và bốn giờ làm thêm là phù hợp với Điều 68, Điều 69 Bộ luật lao động (BLLĐ) 1994 và Điều 104, Điều 106 BLLĐ 2012 (trong bốn vụ kiện, có vụ tòa áp dụng BLLĐ 1994, có vụ tòa áp dụng BLLĐ 2012 - NV). Mặt khác, trong suốt thời gian làm việc, NLĐ không có bất kỳ ý kiến, khiếu nại nào gửi đến ngân hàng nên được xem là đã đồng ý với thỏa thuận này.
Về việc thanh toán tiền lương cho NLĐ, HĐXX cho rằng tuy HĐLĐ không xác định mức lương mà NLĐ thực lãnh hàng tháng nhưng căn cứ vào quy chế tiền lương và phụ lục về cách tính tiền lương cho cán bộ, nhân viên của ngân hàng thì cơ cấu tiền lương hàng tháng của NLĐ bao gồm: lương cơ bản + lương làm thêm giờ + khoản hỗ trợ.
Theo HĐXX, cách tính tiền lương của ngân hàng dựa vào công thức trên là phù hợp với sao kê tài khoản ngân hàng của NLĐ và đều cao hơn mức lương tối thiểu vùng qua từng thời kỳ.
HĐXX căn cứ vào Điều 55 BLLĐ 1994, Điều 90 BLLĐ 2012, khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2015 của Bộ LĐ-TB&XH (hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015 của Chính phủ) để kết luận tiền lương ngân hàng trả cho NLĐ đã bao gồm tiền làm thêm giờ. Từ đó, HĐXX bác toàn bộ yêu cầu của bốn cựu bảo vệ.
Hiện nay, bốn nguyên đơn đã kháng cáo bản án sơ thẩm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn biến mới.
Quy định liên quan - Tiền lương của NLĐ do hai bên thỏa thuận trong HĐLĐ và được trả theo năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc. Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định. (Theo Điều 55 BLLĐ 1994) - Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho NLĐ để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của NLĐ không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. Tiền lương trả cho NLĐ căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với NLĐ làm công việc có giá trị như nhau. (Theo Điều 90 BLLĐ 2012) - Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thỏa thuận ghi trong HĐLĐ quy định tại điểm a khoản 5 Điều 4 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP bao gồm: Mức lương, ghi mức lương tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định của pháp luật lao động mà hai bên đã thỏa thuận. Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán. (Theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 47/2015 của Bộ LĐ-TB&XH) |
Truy tố gã cha dượng làm con riêng của vợ có bầu
Ngày 30/10, Công an huyện Phú Tân (An Giang) cho biết đã chuyển hồ sơ đề nghị truy tố đối với Nguyễn Văn Tú (38 ... |