MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc xử lý cát tặc ở 'nơi người dân chật vật giữ đất'

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc để đề nghị làm rõ, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép ở địa bàn mà chúng tôi từng phản ánh "người dân chật vật giữ đất vì cát tặc lộng hành".

Ngày 12/4, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có văn bản gửi ông Nguyễn Văn Trì – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Nội dung văn bản cho biết, trong thời gian qua, tình hình khai thác cát, sỏi ở các dòng sông cửa biển diễn ra rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở nghiêm trọng dọc các bờ sông.

Ngày 27/3, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp nhận phản ánh qua bài viết với tiêu đề: “Người dân ‘chật vật’ giữ đất vì cát tặc lộng hành".

Theo đó, từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, có rất nhiều phương tiện khai thác cát, sỏi không có số hiệu, bao gồm cả tàu cuốc, tàu hút hoạt động liên tục cả ngày và đêm trên sông Hồng chảy qua địa bàn xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, giáp ranh địa phận huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội.

mttq viet nam de nghi tinh vinh phuc xu ly cat tac o noi nguoi dan chat vat giu dat
MTTQ Việt Nam đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Việc khai thác cát sai phép dưới lòng sông và vận chuyển cát trên bờ với quy mô nêu trên là nguyên nhân trực tiếp gây sạt lở, sụt lún, mất đất nông nghiệp của người dân sống ở khu vực. Nhân dân địa phương rất bức xúc, nhưng chưa ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền xã, huyện để xử lý và ngăn chặn tình trạng này dẫn tới nguy cơ gây mất trật tự an ninh trên địa bàn.

Căn cứ Kế hoạch số 484/KH-MTTW-BTT, ngày 31/1/2018 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; với trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác minh, làm rõ những thông tin nói trên.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần khẩn trương vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi để ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.

"Đặc biệt cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 31/3/2015 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 357/TB-VPCP ngày 6/11/2015 và Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 24/3/2017;

Đồng thời xác minh, làm rõ những phương tiện tàu hút, tàu cuốc không số hiệu khai thác cát, sỏi trên sông Hồng ở xã Trung Hà và xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán là tàu, thuyền do đơn vị nào quản lý," văn bản của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ.

Trước đó, đầu tháng 3 vừa qua, chúng tôi nhận được phản ảnh của nhiều người dân xã Trung Hà, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc về việc đất đai của họ bị sạt lở xuống sông Hồng do tình trạng khai thác cát trái phép gây nên.

Sau nhiều lần ghi nhận thực thế, chúng tôi nhận thấy phản ánh nói trên là có cơ sở. Theo một số người dân địa phương, tình trạng khai thác cát trên địa bàn đã diễn ra từ nhiều năm trước.

Đặc biệt, từ trong Tết Nguyên đán tới tháng 3 vừa qua thì xuất hiện nhiều phương tiện rầm rộ khai thác cát trái phép. Tình trạng này đã gây sạt lở nghiêm trọng đất đai ven sông khiến người dân rất bức xúc.

Để bảo vệ đất đai, nhiều người dân đã lập thành nhóm để canh giữ, “chiến đấu” với tàu thuyền khai thác cát. Theo đó, họ chuẩn bị sẵn những đống gạch đá ở trên bờ để ném, thậm chí là dùng nỏ bắn dọa để xua đuổi các tàu khai thác cát.

“Cát tặc đến, dân chúng tôi phải giữ đất. Chúng tôi đem gạch đá ném, làm nỏ bắn để đẩy họ ra xa.

Nếu thời gian gần đây chúng tôi không giữ, có thể họ đã đánh bay thêm 200m đất bãi nữa chứ không phải vừa.

Có hôm, 30 con tàu, trong đó khoảng 10 chiếc tàu cuốc khai thác, cứ tàu này đầy chạy đi thì tàu khác lại đến”, bà Ch., một người dân nói.

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 26/3, ông Trần Ngọc Thạch – Chủ tịch UBND xã Trung Hà cũng xác nhận có tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn, cả ban ngày và ban đêm.

“Đặc biệt thời gian giữa tháng 3, tình trạng khai thác cát làm ảnh hưởng, gây sạt lở đất của nhân dân đang canh tác,” ông Thạch cho hay. Chủ tịch UBND xã Trung Hà ước chừng có khoảng 2ha đất đai của bà con đã bị sạt lở.

Chủ tịch UBND xã Trung Hà cho biết thêm, trên địa bàn xã này có 2 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát.

Thứ nhất là Công ty Hoàng Phát Thủ Đô. Doanh nghiệp này được tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác cát trên sông Hồng với diện tích 32ha, thời hạn 12 năm.

Thứ hai là Công ty An Viên, được cấp phép 2 lần, lần 1 là 10,6ha, lần còn lại là 3,06ha.

Hiện tại, Công ty Hoàng Phát Thủ Đô còn phép hoạt động, riêng Công ty An Viên đang bị tạm dừng khai thác.

Lý do Công ty An Viên bị tạm dừng khai thác là do doanh nghiệp này chưa chấp hành tốt yêu cầu đóng cửa mỏ đối với số diện tích 10,6ha được cấp phép khai thác lần 1.

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4, chúng tôi trở lại khu vực xã Trung Hà thì nhận thấy một số tàu cuốc, tàu hút vẫn hoạt động khai thác cát trên sông Hồng.

Đáng chú ý, tại địa bàn giáp ranh giữa xã Trung Hà và Trung Kiên thuộc huyện Yên Lạc cũng có tàu cuộc đang nổ máy rầm rầm khai thác cát giữa sông.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, ở đoạn sông này hiện không có doanh nghiệp nào được cấp phép khai thác khoảng sản dưới nước.

Lý do là vì, tại khu vực này Công ty An Viên đã bị tạm dừng khai thác, Công Ty Cổ Phần TMS Khoáng sản và Vật liệu xây dựng (xã Trung Kiên) chỉ được cấp phép khai thác mỏ lộ thiên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

mttq viet nam de nghi tinh vinh phuc xu ly cat tac o noi nguoi dan chat vat giu dat Người dân ‘chật vật’ giữ đất vì cát tặc lộng hành

Chứng kiến đất đai, hoa màu ngày ngày bị nhấn chìm xuống sông Hồng, nhiều người dân ở xã Trung Hà đã lập nhóm để ...

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.