Công ty CP Giấy Xuân Đức nằm giữa khu dân cư phường Phước Long A, quận 9, TP HCM, sản xuất bao bì giấy các-tông từ giấy phế liệu, hoạt động từ những năm 1960 đến nay. Quan sát từ xa, chúng tôi thấy cột khí thải của công ty này nằm sát và cách các block C, D của chung cư Him Lam An Phú chỉ 200-300 m.
Dọn về mới biết có ô nhiễm
Anh Long, một người dân sống trong chung cư, bức xúc: "Tôi sống ở tầng 13 và thường xuyên hứng chịu khói bụi, tiếng ồn từ nhà máy phát ra, nhiều lúc nửa đêm công ty hoạt động khiến chúng tôi không ngủ được. Tôi phải bỏ tiền mua máy lọc không khí để hạn chế phần nào ô nhiễm".
Vì bức xúc, các hộ dân đã treo băng-rôn yêu cầu Công ty CP Giấy Xuân Đức ngừng hoạt động. Đỉnh điểm vụ việc là ngày 25-5, người dân tụ tập trước cổng công ty gây sức ép, yêu cầu di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư. Mới đây, ngày 9-7, người dân lại kéo đến công ty yêu cầu ngừng hoạt động.
Chung cư được xây dựng sát Công ty CP Giấy Xuân Đức nên bị ảnh hưởng nặng khói và tiếng ồn. (Ảnh: THU HỒNG).
"Nhận thấy vụ việc căng thẳng, UBND quận 9 đã tổ chức buổi đối thoại giữa người dân, doanh nghiệp và yêu cầu công ty có biện pháp khắc phục. Từ ngày 10-7, công ty đã cắt giảm 50% số giờ làm việc, chỉ hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, họ có xây tường, thay vách tole, đầu tư thêm máy móc để giảm bụi, khói... Thế nhưng, người dân vẫn tiếp tục phản ứng, yêu cầu công ty phải ngừng hoạt động và di dời" - đại diện quận 9 cho biết.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, người dân nói họ chưa từng biết đến Công ty CP Giấy Xuân Đức cho đến khi nhận căn hộ và cho rằng chủ đầu tư đã che giấu sự việc. Hoạt động của công ty đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của dân cư nhưng chủ đầu tư không có biện pháp xử lý dứt điểm.
Không phù hợp quy hoạch
Vừa qua, UBND quận 9 đã báo cáo vụ việc cho UBND TP HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo UBND quận 9, Công ty CP Giấy Xuân Đức hoạt động từ năm 1960 với ngành nghề sản xuất giấy cuộn bao bì từ giấy phế liệu. Sau giải phóng, công ty là doanh nghiệp nhà nước nhưng đến nay không còn cổ phần của nhà nước. Công ty được TP cho thuê đất tại vị trí đang sản xuất đến hết ngày 1/1/2046.
Trong thời gian hoạt động, nhà máy mắc một số vi phạm trong lĩnh vực môi trường nên từng bị UBND TP, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường xử phạt. Từ khi có chung cư Him Lam, UBND quận 9 nhận được nhiều đơn thư khiếu nại của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường. Qua các cuộc họp, quận đã yêu cầu công ty phải có biện pháp khắc phục nhằm hạn chế tiếng ồn và khí thải. Trong tháng 7, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý khí thải, xây tường ngăn tiếng ồn và từ ngày 10/7 đã cắt giảm thời gian sản xuất còn 12 giờ/ngày thay vì 24/24 giờ như trước.
Bà Trần Thị Thu Hoài, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9, cho biết do ngành nghề Công ty CP Giấy Xuân Đức hoạt động không phù hợp với quy hoạch dân cư của quận nên UBND quận 9 đã báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất đưa công ty vào danh sách di dời để có kế hoạch di dời theo quy định.
Xác nhận vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, cho biết sở đã phối hợp với UBND quận 9 tổ chức đối thoại người dân và doanh nghiệp. Qua rà soát thì doanh nghiệp này sẽ bị đưa vào danh sách cơ sở phải di dời khỏi khu dân cư do không phù hợp quy hoạch.
Sẵn sàng di dời
Trước phản ứng của người dân và đề xuất di dời của chính quyền địa phương, ông Phan Minh Nghĩa, Giám đốc Công ty CP Giấy Xuân Đức, cho biết công ty hoạt động hơn 30 năm, trước khi chung cư đưa vào sử dụng (năm 2018). Khi người dân phản ứng, công ty đã lắng nghe, hợp tác và khắc phục ô nhiễm bụi và tiếng ồn.
"Lẽ ra khi cấp giấy phép cho chủ đầu tư khu chung cư, chính quyền địa phương nên thông báo với công ty nếu không phù hợp quy hoạch, phía chung cư cũng phải thông báo cho hộ dân biết để nắm rõ tình hình. Chúng tôi sẵn sàng di dời theo định hướng chung của nhà nước nhưng phải có thời gian để chuẩn bị" - ông Nghĩa bày tỏ.
Cũng theo ông Nghĩa, việc người dân tụ tập gây áp lực buộc công ty phải di dời và ngừng hoạt động ngay là không hợp lý. "Muốn di dời, chúng tôi phải ngừng nhận đơn hàng, ngừng nhập nguồn nguyên liệu, giải quyết các chế độ cho hơn 100 công nhân. Đến nay, công ty đã giảm 50% lao động vì phải cắt giảm 50% thời gian làm việc, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của công nhân" - ông Nghĩa nói.
Triển khai các yêu cầu về bảo vệ môi trường
UBND TP HCM vừa giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Công an TP và UBND quận 9 kiểm tra, xử lý việc xả khói ra khu dân cư của Công ty CP Giấy Xuân Ðức và trạm trung chuyển rác Thủy Lợi gây ô nhiễm môi trường.
UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCX-KCN TP và UBND 24 quận, huyện triển khai các yêu cầu về bảo vệ môi trường đến các cơ sở sản xuất ngành xây dựng cũng như tăng cường quản lý công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở này.
P.Anh