Nhà thiết kế lừng danh Christian Dior từng nói “A woman’s perfume tells more about her than her handwriting.” (Nước hoa của một phụ nữ cho biết nhiều điều hơn cả nét chữ của nàng). Nhưng với chính những lọ nước hoa thì thiết kế và những cái tên có tầm quan trọng chẳng kém gì những mùi hương!
Không chỉ bán mùi hương
Dùng lời lẽ hay câu chữ để đặc tả một mùi hương, đó luôn là điều khó khăn với bất cứ người nào, kể cả những người làm sale dạn dày kinh nghiệm. Một lọ nước hoa với những nốt đầu của cam, chanh, hương giữa của cây tuyết tùng hay những nốt cuối trầm mặc của gỗ sồi ư? Thật khó để tưởng tượng. Vậy là khách hàng sẽ phải thử tìm ra mùi mình thích hoặc phù hợp nhất với mình. Nhưng nếu chẳng may hôm đó bị cảm cúm, nghẹt mũi, thì coi như người bán hàng đã đánh mất một vài đối tượng khách hàng béo bở. Kể cả khách có khỏe mạnh, bình thường đi nữa, thì cầm lên ba que thử mùi của ba lọ nước hoa thôi cũng đã đủ loạn rồi. Dù có sự trợ giúp của cốc hạt café (giúp khứu giác lấy lại được sự nhanh nhạy và khả năng phân biệt mùi nhanh nhất) thì cũng không thể chọn lựa được ngay mùi hương hoàn hảo nhất cho mình. Vậy điều gì sẽ quyết định đến việc khi đó khách hàng có móc hầu bao hay không? Chắc chắn sẽ không phải là lời diễn thuyết của người bán hàng rằng mùi hương này thơm lắm, quyến rũ lắm, nó là sự tổng hợp của những thành phần quý giá, đắt tiền bla bla bla… mà chính là từ thiết kế của chai nước hoa và cái tên của nó.
Nắm bắt được nhu cầu ấy, khi mà nước hoa không chỉ là một thứ đồ trang sức vô hình mà những thiết kế chai lọ bắt đầu được xếp hẳn vào khu vực nhóm đồ vật trang trí phòng ngủ và những cái tên bắt tai bao giờ cũng là bảo chứng cho sự thành công về mặt doanh số, các nhà sản xuất nước hoa đã chú trọng hơn rất nhiều đến thiết kế chai hộp cũng như đau đầu để “sáng tạo” cho những lọ nước hoa một cái tên mà khách hàng chỉ nghe thôi cũng đã muốn mở ví ra mua liền rồi.
Thiết kế và tên gọi, khi ấy bỗng trở thành hai thế mạnh đặc biệt giúp các nhãn hàng sản xuất nước hoa kiếm bộn, thậm chí còn hơn cả việc bán ra những mùi hương được coi là đặc trưng và nổi bật nhất của mình.
Sức mạnh của thiết kế
Trong thế giới của ngành công nghiệp nước hoa, rất nhiều con đường đều dẫn đến một cái tên mà nghe qua thôi đã thấy được sự bất biến theo thời gian của nó: Coco Chanel. Năm 1921, Coco Chanel cho ra mắt lọ nước hoa Chanel No.5, một mùi hương đa lớp tươi mới đã đánh bật những mùi hoa cỏ hay những nốt trầm của xạ hương ra khỏi vị trí độc tôn của mình. Thế nhưng, thành công của Chanel No.5 không phải hoàn toàn đến từ mùi hương, mà phần nhiều đến từ thiết kế đỉnh cao và kinh điển của nó. Chiếc chai thủy tinh đã chứa đựng cả linh hồn của người phụ nữ với hình dáng như một viên pha lê vàng lấp lánh, dòng chữ Chanel No.5 đen, dùng font đứng và dày hoàn toàn phù hợp với những đường cắt tinh tế ở phần thân và nắp vỏ. Trải qua gần 100 năm tồn tại, Chanel No.5 đã chứng minh được tính phi thời gian của mình. Nó thậm chí còn trở nên bất tử trong bức họa của Andy Warhol.
Những nhãn hàng nước hoa khác cũng rất chú trọng đến thiết kế chai để thu hút được sự chú ý của khách hàng. Nổi bật trong số đó là chai nước hoa 1 Million của Paco Rabanne được ra mắt vào năm 2008. Với thiết kế như một thỏi vàng, chai nước hoa vẽ ra một giấc mơ về cuộc sống của một triệu phú thành đạt, với những chiếc xế hộp xịn, những chai rượu vang đắt tiền và cả những cô đào đẹp như siêu mẫu. Chiến dịch quảng bá dòng nước hoa này cũng nhấn mạnh vào sự giàu có, thành công và tài năng tuyệt đỉnh. Chưa cần biết mùi hương có khiến người dùng có cảm giác mình là một triệu phú tiền đô hay không, nhưng chỉ riêng sắc vàng óng ánh, thiết kế nam tính cùng những thước phim quảng cáo kia thôi cũng đã mang đến sự thành công vang dội về doanh số cho chai nước hoa này.
Một ví dụ điển hình khác chính là hãng nước hoa Jean Paul Gaultier. Năm 1993, hãng này cho ra mắt chai nước hoa Classique với thiết kế như một nàng mannequin với màu hồng ưa nhìn bắt mắt. Phần hộp đựng ngoài như một chiếc ống bơ bằng bạc là điểm nhấn hoàn hảo khiến chai nước hoa này trở nên bắt mắt vô cùng dù được đặt cạnh những chai nước hoa của các nhãn hàng nổi tiếng hơn. Thành công, đương nhiên thành công. Và thừa thắng xông lên, năm 1995, Jean Paul Gaultier tiếp tục cho ra mắt chai nước hoa Le Male với thiết kế tương tự nhưng dành riêng cho nam giới. Giờ đây, nhắc đến những chai nước hoa có hình mannequin, chắc chắn người ta sẽ nhớ ngay đến cái tên Jean Paul Gaultier. Một nước đi quá thành công của hãng nước hoa này, chỉ nhờ vào thiết kế.
Nàng mannequin Classsique của Jean Paul Gaultier
Ngày nay, rất nhiều hãng nước hoa đã đánh mạnh vào thị hiếu của người dùng, khi họ chủ yếu mua hàng online và quá lười để đi thử mùi nước hoa ở những trung tâm thương mại. Phần nhìn của chai nước hoa được đặt lên hàng đầu. Marc Jacobs với dòng nước hoa Daisy quá đỗi thành công là bởi thiết kế tươi mới, trẻ trung, nhìn qua không khác gì những món đồ trang sức mà các nàng hay chơi với nhau thời thơ bé. Chỉ riêng thiết kế cũng đã gợi cho chúng ta cảm giác về một thế giới thơm ngát mùi hương của những đóa cúc dại, đẹp hoang hoải như người thiếu nữ mới biết yêu lần đầu. Hay nổi bật hơn nữa là hãng nước hoa Moschino với dòng nước hoa Fresh Couture Eau de Toilette, một chai nước hoa được thiết kế y như chai nước xịt lau kính của các bà nội trợ. Ngoài mục đích gây ấn tượng mạnh với người mua thì còn động cơ nào khác nữa đây? Không còn vẻ sang chảnh, nhìn qua khiến người ta dễ nhầm lẫn và tò mò kiểu “Sao lại bán nước lau kính trong boutique nước hoa nhỉ?”, chai nước hoa này (thật đáng ngạc nhiên) lại được bán ra với con số khủng không kém chai nước hoa hàng hiệu đắt tiền nào.
“Chai nước lau kính” Fresh Couture Eau de Toilette của Moschino
Sự quyến rũ đến từ những cái tên
Liệu một anh chàng dùng nước hoa Grey Flannel có thể tìm được hạnh phúc đích thực bên một cô nàng mê mẩn mùi hương Shalimar không nhỉ? Câu hỏi này sẽ hàm ý hơn rất nhiều nếu như chúng ta hiểu được lời tuyên bố ngầm của những chai nước hoa, được gửi gắm qua tên gọi của mình. Chọn tên cho một mùi hương thực sự là một công việc sáng tạo cần rất nhiều cảm hứng và sự điên rồ. Bởi nó có hai mục đích: Một, đó là đánh vào sự tò mò của khách hàng. Liệu cái tên ấy có đủ kêu để khiến người ta nhớ về nó chỉ sau một lần đọc thoáng qua ở đâu đó? Hai, đó là một cuộc chơi với ngôn từ có nhiều nhục cảm dữ dội nhất. Trong lịch sự ngành công nghiệp nước hoa, phổ biến nhất vẫn là những cách đặt tên sau:
Exotica
Những cái tên dùng từ mượn của phương Đông hay chữ La-tin luôn được coi là những cái tên gợi sự bí ẩn và hấp dẫn lạ lùng. Aqua, Opium, Shalimar, Cinnabar… là những chai nước hoa thành công và gây được tiếng vang lớn một phần dựa vào những cái tên rất bắt tai và nghe qua là nhớ của mình. Người ta mua chai Shalimar của Guerlain không chỉ bởi mùi hương, thiết kế mang đậm hơi hướm phương Đông mà còn bởi nó gợi về giấc mơ của nàng Scheherazade trong câu chuyện nổi tiếng “Nghìn lẻ một đêm”. Những cái tên dùng từ mượn này luôn được dành cho những chai nước hoa có mùi hương được miêu tả là sexy, quyến rũ và bí ẩn. Đương nhiên, đó toàn là những yếu tố gợi sự tò mò và nhu cầu mua cho người dùng, nhất là phụ nữ.
Sự lãng mạn xa xưa
Những cái tên sẽ gợi về tình yêu của người phụ nữ. Ẩn sâu trong đó là những câu chuyện tình đầy ngọt ngào và cũng nhiều man trá. Chloé, Ruffles, Chantilly, Lolita Lempicka… là những cái tên nổi tiếng của dòng nước hoa đặt tên theo xu hướng này.
Dùng luôn tên của nhãn hàng sản xuất
Còn gì bảo đảm cho sự thành công của một chai nước hoa hơn là tên gọi nghe qua đã thấy sang chảnh của chính các nhãn hàng sản xuất? Chanel No.5, Oscar de la Renta, Miss Dior, Hermès… là những cái tên bán chạy nhất của dòng nước hoa này.
Ngẫu nhiên nhưng luôn là điều hoàn hảo nhất
Đây là cuộc chơi với ngôn từ đích thực, khi các nhà sản xuất nước hoa được thoải mái sáng tạo mà không cần giữ mình trong khuôn phép nào. Những cái tên từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ hiểu đến “so deep”, từ lẳng lơ gợi tình đến phong trần đầy nhục cảm đều đã được nghĩ ra. Poison của Dior, Daisy Dream của Marc Jacobs, Guilty của Gucci là những cái tên chỉ nghe qua đã muốn thử. Đơn giản vì nó gợi mở cả một thế giới bí ẩn đầy kích thích và cả một chút ngỗ nghịch, hư hỏng, lả lơi… Chẳng phải phụ nữ, bất cứ ai đều âm thầm mơ ước mình sẽ trở thành một cô nàng đầy hấp dẫn như vậy sao?
Khi những giọt nước hoa cuối cùng đã bay nốt mùi hương, điều còn ở lại, chính là vỏ chai và cái tên của nó. Đôi khi, đó mới là điều quyết định xem liệu ta có nên mua thêm một chai nước hoa tương tự để dùng, ta nên vứt cái chai không đó đi hay để lại làm một món đồ trang trí. Khi ấy, một chai nước hoa ấn tượng sẽ là chiếc chìa khóa mở ra những kỉ niệm xa xưa, đẹp đẽ có, đau buồn có. Và cái tên ấy, dáng hình ấy sẽ vĩnh viễn là một phần trong kí ức. Đó mới là giá trị vĩnh cửu của một mùi hương.
Nguồn ảnh: Vogue
Theo Minh Minh
Tạp chí STYLE