Muốn giảm giá sâu để giải phóng hàng tồn kho mà sợ... bị phạt

Giữ quy định không được khuyến mãi quá 50% giá trị hàng hóa, dịch vụ đối với chương trình do DN tự tổ chức là gây khó cho hoạt động kinh doanh, hạn chế sự tự chủ của DN, doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng không được hưởng lợi.
muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat
Người tiêu dùng mua hàng khuyến mãi tại một siêu thị trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM (Ảnh: Quang Định)

Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về nghị định 81 (có hiệu lực từ ngày

15-7), dù thừa nhận nhiều nội dung tại nghị định này đã có bước tiến đáng kể trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các hoạt động khuyến mãi.

Đủ kiểu lách "trần" khuyến mãi

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều nhà bán lẻ, siêu thị hiện đang áp dụng đa dạng hình thức khuyến mãi để hút khách, kéo sức mua. Ngoài giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, khách hàng thành viên còn được tích lũy điểm thông qua tặng thêm chiết khấu ít nhất 2-3% vào thẻ, rồi mua 2 tặng 1, tặng thêm quà...

"Chỉ riêng hình thức khuyến mãi mua 5 tặng 1 cũng tương đương giảm 25%. Nếu tính tổng cộng các hình thức khuyến mãi trên một sản phẩm, mức giảm có thể lên đến 60% là bình thường" - giám đốc kinh doanh một siêu thị cho biết.

Những nhà bán hàng thời trang, mỹ phẩm cũng có cách lách luật riêng như tổ chức ngày hội xả hàng nội bộ bằng cách gửi thư mời thành viên thân thiết (xem như bán cho khách hàng), hay ngày hội giảm giá đến 50% nhưng kèm mua 1 tặng 1 sản phẩm có giá tương đương, tính ra mức giảm hơn 70%.

Theo ông Hoàng Tùng - chủ chuỗi hệ thống Pizzahome, vì đặc thù của một số ngành, có khi doanh nghiệp phải bán lỗ, thậm chí bán dưới mức giá thành sản xuất để có thể thu tiền về. Tuy nhiên, trước nay mức trần khuyến mãi gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong nhiều dịp xả hàng cuối năm, không ít doanh nghiệp muốn giảm giá hơn nữa để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn nhưng không thể vì nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ bị phạt, trường hợp không bị phát hiện thì đến lúc hạch toán thuế cũng không được chấp nhận.

Với những mặt hàng có thời hạn sử dụng, việc phải xả hàng trước thời điểm đến hạn là điều cần thiết để doanh nghiệp thu tiền về bù giá sản xuất. Hay những mặt hàng mang tính thời vụ như bánh trung thu, mặt hàng thời trang, mặt hàng công nghệ... vốn một số mẫu mã, kiểu dáng chỉ "hot" trong một mùa, sau đó sẽ bị lỗi mốt, doanh nghiệp cần phải xả hàng, thế nên việc áp mức trần 50% là điều bất hợp lý.

"Việc gỡ bỏ hạn mức này, theo tôi, là một bước đi đúng đắn. Nếu được, hãy để cho doanh nghiệp tự quyết định mức khuyến mãi ra sao, khuyến mãi như thế nào cho hiệu quả... Hãy tháo bỏ những quy định vô lý và để doanh nghiệp tự quyết định các chương trình của mình" - ông Tùng nói.

muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat
Không ít doanh nghiệp muốn khuyến mãi trên 50% cho người tiêu dùng nhưng vướng quy định. Trong ảnh: một cơ sở tung khuyến mãi để hút khách (Ảnh: Q.Định)

Có phân biệt đối xử?

Theo ông Vũ Đức Chinh - giảng viên marketing ĐH Kinh tế TP.HCM, nghị định 81 không xóa trần khuyến mãi 50% nếu doanh nghiệp tự tổ chức, nhưng cho phép mức giảm đến 100% trong trường hợp chương trình khuyến mãi tập trung do cơ quan cấp T.Ư hay tỉnh, thành tổ chức là một sự phân biệt "đáng ngạc nhiên".

Vì khuyến mãi là giải pháp doanh nghiệp áp dụng để kích thích bán hàng. Chính doanh nghiệp sẽ tự cân đối đầu vào, đầu ra, khả năng thu hồi vốn, trong khi các chương trình khuyến mãi do đơn vị nhà nước thực hiện theo mục đích của cơ quan quản lý.

Đáng ra nếu cần tách hạn mức khuyến mãi thì nên dựa vào ngành hàng, sản phẩm, dịch vụ, chứ không nên phân biệt theo chủ thể khuyến mãi đó.

Những sản phẩm cần có sự kiểm soát của Nhà nước như mặt hàng mang tính chiến lược, dân sinh vì tầm quan trọng, tránh tình trạng cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp như thẻ điện thoại... cần có quy định rõ.

Còn những mặt hàng khác như thời trang, mỹ phẩm... nên tuân thủ theo quy luật cung cầu của thị trường, để doanh nghiệp tự tính toán.

Theo các chuyên gia, quy định về hạn mức khuyến mãi trong nghị định mới xuất phát từ mục đích bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp nhiều hơn là bảo vệ người tiêu dùng. Quy định mức trần khuyến mãi dưới 50% này nhằm ngăn chặn tình trạng các doanh nghiệp nước ngoài với tiềm lực tài chính quá mạnh tham gia thị trường Việt Nam, chấp nhận giảm giá sâu để thu hút khách.

"Tuy nhiên, trong cạnh tranh hiện nay, chúng ta nên tuyệt đối tránh can thiệp bằng phương pháp hành chính lên thị trường trong bất kỳ trường hợp nào. Phải chấp nhận quy luật của thị trường mới có thể tiến bộ được, kể cả cạnh tranh có thể dẫn đến những kết quả nghiệt ngã, doanh nghiệp yếu bị đào thải" - ông Chinh nói.

Cũng theo ông Chinh, đối tượng cần bảo vệ nhất vẫn là người tiêu dùng, nhưng Nhà nước không thể bảo vệ người tiêu dùng bằng các biện pháp hành chính không hiệu quả. Thay vào đó, Nhà nước cần đảm bảo sức mạnh của sự minh bạch, cung cấp thông tin để người tiêu dùng nâng tầm hiểu biết của họ, tự so sánh, đối chứng, tiêu dùng thông minh.

Bởi trên thực tế nhiều cửa hàng cùng giảm 50% nhưng có nơi đông đúc, xếp hàng chờ đợi nhưng có nơi vẫn vắng tanh, điều này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng giảm giá, tần suất giảm giá không thường xuyên nên đáp ứng kỳ vọng của nhiều người.

"Việc khuyến mãi giả hay ảo rất dễ bị phát hiện. Cái mất của doanh nghiệp khi thực hiện hành vi gian dối đó còn lớn hơn nhiều so với khoản kiếm lợi nhỏ từ người dùng. Do đó, việc minh bạch thông tin cho người dùng và có hành lang bảo vệ người dùng khi xảy ra tranh chấp thực sự cần thiết hơn" - ông Chinh nói.

muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat
Nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ trần khuyến mãi 50% vì thực tế khó quản lý (Ảnh: Q.Định)

Khuyến mãi, ngán thủ tục với... thuế

Một băn khoăn lớn của doanh nghiệp nữa là với quy định trường hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mãi có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng thì không phải thông báo cho sở công thương địa phương. Nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ gặp một số khó khăn khi hạch toán với cơ quan thuế?

Trong thực tế cơ quan thuế luôn yêu cầu các giấy tờ hành chính về tổ chức khuyến mãi. Nếu cho doanh nghiệp tự khai báo, tính toán cho các chương trình khuyến mãi có tổng giá trị từ 100 triệu đồng trở xuống, doanh nghiệp chưa biết việc giải trình sẽ được thực hiện như thế nào.

* Ông VŨ VINH PHÚ (nguyên phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội): Phải quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Nhà nước nên gỡ trần khuyến mãi giá trị hàng hóa đối với các lĩnh vực như thời trang, giày dép... nhưng vẫn giữ trần ở các lĩnh vực đặc thù như thực phẩm, dược phẩm... do những sản phẩm này liên quan tới sức khỏe người sử dụng, mà giá rẻ thường đi kèm với kém chất lượng. Ngoài ra, cần phải có cơ chế giám sát, không để các chương trình khuyến mãi bị biến tướng dưới nhiều hình thức để lừa đảo người tiêu dùng, hay khuyến mãi theo kiểu "đánh trống kêu to nhưng thùng rỗng" với mục đích chính chỉ là kéo khách hàng đến... Để các chương trình này hiệu quả, cần phải quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý. Nếu để xảy ra vi phạm, doanh nghiệp không báo cáo, số liệu không minh bạch, các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm.

* TS PHẠM TẤT THẮNG (nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương): Cần thiết nhưng phải chế tài nghiêm

Mục đích của việc siết chặt trần khuyến mãi là để tránh việc phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Ngay ở nước ngoài, người ta cũng chỉ quy định vào ngày nhất định như ngày thứ sáu doanh nghiệp được phép khuyến mãi lớn, ngoài những ngày đó ra không được phép khuyến mãi mức độ cao. Tuy nhiên, giữa quy định và chế tài thực hiện cần gắn với nhau, có chế tài thực thi quy định đó mới có tác dụng. Tránh tình trạng quy định một đằng, chế tài thực thi lỏng lẻo, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh. Những đơn vị nào thực hiện nghiêm chỉnh lại thua thiệt, trong khi những hành động khuyến mãi lừa đảo người tiêu dùng không bị nghiêm trị.

* Ông PHẠM TẤN ĐẠT (CEO Fado.vn): Nên để doanh nghiệp tự quyết định Thay vì tiếp tục khống chế trần 50% với khuyến mãi, cơ quan quản lý nên để doanh nghiệp tự quyết định chương trình khuyến mãi thế nào, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm. Ngoài ra, cần tạo ra cơ chế quản lý, tránh trường hợp khuyến mãi ảo hoặc nâng giá gốc lên rồi khuyến mãi, nhất là với những hàng hóa kém chất lượng.

THÚY LINH ghi

muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat Sắp có cuộc đua giảm giá ô tô?

Rất nhiều dự báo cho rằng giá xe hơi tháng 6 này sẽ giảm đáng kể trong bối cảnh xe nhập khẩu từ các thị ...

muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat Hoa quả giải nhiệt đua nhau giảm giá tại các siêu thị

Thời tiết đang bước vào thời gian nắng nóng đỉnh điểm, những ngày qua có nơi nhiệt độ đã lên tới 37 độ, người dân ...

muon giam gia sau de giai phong hang ton kho ma so bi phat Vụ phản đối trạm BOT T2: Xin giảm giá trong thời gian chờ làm đường tránh

Liên quan đến vụ phản đối trạm BOT T2, phía Hiệp hội vận tải xin giảm giá cho xe khách, xe chở hàng trong khi ...

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.