Mỹ hoãn thuế còn 10%: Nội thất, máy móc bị ảnh hưởng lớn nhất, nông sản, may mặc chưa có nhiều tác động

So với các đối thủ, hàng Việt xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức thuế quan với các nước là như nhau. Tuy nhiên, thuế quan sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người Mỹ, trong đó các mặt hàng thiết yếu sẽ không bị cắt giảm nhiều còn hàng nội thất, máy móc sẽ sụt giảm nhu cầu.

Ngày 9/4 (theo giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ tạm hoãn mức thuế quan đối ứng cao hơn với gần 60 đối tác thương mại trong vòng 90 ngày, đồng thời nâng thuế quan áp dụng với Trung Quốc lên 125% (cộng thêm với mức 20% trước đó là 145%).

Các đối tác được hoãn thuế trong đó có Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế tối thiểu là 10% cộng thêm vào các mức thuế hiện hữu. Vì vậy, một số hàng hoá khác, như nhôm, thép hay ô tô, vẫn phải chịu mức thuế cao mà ông Trump đã ban hành trước đó.

Cụ thể, mức thuế suất nhập khẩu đại trà 10% tăng thêm sẽ được cộng thêm vào các mức hiện hữu mà Hải quan Mỹ đang thu đối với từng dòng hàng, chứ không phải là tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ bị thuế suất ngang bằng 10%.

Ngoài ra, Hải quan Mỹ cũng đã thông báo thuế quan 10% cộng thêm sẽ có hiệu lực từ 12:01 sáng 6/4. Nhưng hàng lên tàu trước thời điểm này và đến Mỹ trước ngày 27/5 sẽ không bị áp 10% tăng thêm.

Phân tích về diễn biến này, PGS.TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc ban đầu Tổng thống Trump áp thuế đối ứng rất cao với Việt Nam và một số nước là thể hiện rằng Mỹ muốn đàm phán chứ không phải đưa mức thuế này ra để thực hiện.

Trong thương mại, các bên đều có lợi ích và khi áp dụng thuế quan cao một cách phi lý như vậy thì tất cả các bên đều chịu thiệt hại. Vì vậy, Mỹ muốn đàm phán để các bên cùng cải thiện kết cục chứ không phải để áp dụng.

Hiện nay, Mỹ sẵn sàng hoãn thuế đối ứng 46% với Việt Nam và các đối tác khác (trừ Trung Quốc) và chỉ áp mức tối thiểu 10% để các bên có thời gian đàm phán.

Vì vậy, chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động chuẩn bị và lường trước các tình huống. Tuy nhiên, dù kết quả đàm phán ra sao thì chắc chắn sau 90 ngày tới, hoạt động thương mại trên thế giới sẽ thay đổi.

"Rất khó để quay lại mức thuế quan như cũ, bởi Mỹ chỉ hoãn áp dụng mức 46% với hàng nhập khẩu Việt Nam nhưng các nước đều phải chịu mức tối thiểu 10%. Mục đích thu thuế của Chính quyền Mỹ rất rõ ràng để bù đắp cho thuế thu nhập doanh nghiệp và tiến tới là thuế thu nhập cá nhân của người dân Mỹ", chuyên gia Phạm Thế Anh phân tích.

Theo ông, thương mại tự do sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, mức thuế sẽ cao hơn. Điều này đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức.

Tác động đến từng ngành là khác nhau

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công Fulbright. (Ảnh: VNB).

Phân tích kỹ hơn về tác động của thuế quan với hàng hoá xuất khẩu, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công Fulbright, cho biết so với các đối thủ, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức thuế quan với các nước là như nhau.

Tuy nhiên, mức thuế này dù không lớn nhưng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sức mua của người dân Mỹ. Vì vậy, tác động sẽ phụ thuộc nhu cầu của người dân Mỹ đối với từng ngành hàng.

Cụ thể, ngành nội thất sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất vì tiêu dùng rất nhạy khi giá tăng. Trong năm 2024, Mỹ nhập 13,2 tỷ USD gỗ và các sản phẩm gỗ từ Việt Nam, chiếm 9,7% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 19,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nội thất của Mỹ.

Thứ hai là ngành điện tử tiêu dùng, thiết bị văn phòng, máy móc thiết bị. Các mặt hàng này cũng chịu tác động tương tự cả khi giá cao lên vì thuế và khi cả doanh nghiệp lẫn cá nhân sẽ giảm tiêu dùng, đầu từ khi kinh tế suy yếu.

Đối với Việt Nam, tác động phần lớn nằm ở khối FDI. Trong các mặt hàng linh kiện điện tử xuất khẩu sang Mỹ, hiện chip bán dẫn Intel được miễn thuế nhưng điện thoại Samsung sẽ bị áp thuế trên 10%.

Năm 2024, Mỹ nhập 70,5 tỷ USD 4 nhóm hàng hoá liên quan đến điện tử, máy móc, chiếm 51,6% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 7,1% tổng kim ngạch Mỹ nhập khẩu các nhóm hàng này.

Nhóm may mặc, giày dép năm ngoái Mỹ nhập 25,3 tỷ USD từ Việt Nam, chiếm 18,5% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và 17,3% tổng kim ngạch Mỹ nhập khẩu. Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, hai ngành hàng này sẽ không bị ảnh hưởng nhiều bởi đây là nhu cầu thiết yếu của người dân Mỹ.

"Thậm chí, trước mắt Việt Nam còn được hưởng lợi đôi chút khi thay thế hàng hoá Trung Quốc do Mỹ - Trung thương chiến dẫn đến hàng hoá may mặc, giày dép của Trung Quốc bị áp thuế cao", ông Thành cho hay.

Nông thuỷ sản cũng không quá bị ảnh hưởng bởi cũng là một mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, thuỷ sản bị ảnh hưởng nặng hơn nông sản vì giá cao hơn khi có thuế làm nhập khẩu bị thay thế một phần bởi tôm cá nội địa của Mỹ.

Phần lớn các mặt hàng do các doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang Mỹ nằm ở nhóm hàng hoá có giá trị thấp, không phải hàng xa xỉ như: Hàng dệt may, giày da, thuỷ hải sản. Những mặt hàng này người dân Mỹ vẫn phải nhập và sử dụng hàng này. Vì vậy, trong 90 ngày mà Mỹ hoãn thuế, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam chưa bị ảnh hưởng quá lớn trừ ngành gỗ nội thất.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nhập khẩu sẽ tăng vận chuyển hàng sang Mỹ trong 3 tháng tới để né thuế đối ứng nếu có. Nhưng nếu xuất khẩu của Việt Nam mà tăng đột biến sang Mỹ trong thời này thì những nhân vật cứng rắn phía Mỹ sẽ lấy ngay đó làm cớ để không giảm thuế cho Việt Nam, làm cho đàm phán sẽ khó khăn hơn, Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành lưu ý.

(Nguồn: Tổng cục Hải Quan - Tổng hợp: Hạ An).

Các nhà phân tích từ MBS Research cũng cho rằng, động thái hoãn thời điểm mức thuế mới chỉ đủ để các bên thích nghi với sự chuyển biến của chiến tranh thương mại.

"Chúng tôi giữ nguyên quan điểm các nhóm ngành xuất khẩu dệt may, thủy sản, đồ gỗ, cao su, giấy, dây cáp điện,… và các nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, logistics vẫn chịu tác động về dài hạn do giảm lượng đơn hàng cũng như biên lợi nhuận giảm sút", báo cáo nêu rõ.

Các lĩnh vực như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản công nghiệp và logistics sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Một số ngành như cao su, giấy, dây cáp điện có mức độ ảnh hưởng trung bình nhờ tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ thấp hơn. Trong khi đó, sắt thép hầu như không bị tác động do không nằm trong danh sách chịu thuế. Đáng chú ý, một số mặt hàng có thể được bảo vệ nhờ các cam kết trong Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ từ năm 2001, nhưng tác động tổng thể vẫn sẽ là thách thức lớn đối với nền kinh tế trong thời gian tới.

Tác động gián tiếp đến chính sách tiền tệ

PGS. TS Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Hạ An).

Ngoài tác động trước mắt đến các ngành hàng xuất khẩu, theo chuyên gia Phạm Thế Anh, cuộc chiến thuế quan này còn ảnh hưởng đến việc điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam.

Ông phân tích, khi Mỹ áp dụng mức thuế tối thiểu 10% và sắp tới là sau đàm phán có thể cao hơn một chút, giá cả hàng hoá sẽ tăng bất kể Mỹ có sức mạnh đàm phán tới đâu. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Mỹ, lãi suất của Fed khó hạ trừ khi Mỹ rơi vào suy thoái.

"Mỹ khó hạ lãi suất sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn vào Việt Nam. Mức chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam càng lớn thì nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi Việt Nam, đặc biệt là trên thị trường gián tiếp", ông Thế Anh nói.

Điều này làm giảm khả năng hạ lãi suất của Việt Nam để kích thích kinh tế, tăng trưởng trong nước, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam lại muốn ổn định tỷ giá. Muốn duy trì tỷ giá và hạ lãi suất đồng thời trong bối cảnh USD neo cao thì cần có trợ lực từ bên ngoài như việc Fed hạ lãi suất.

Thứ hai là trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi cần đa dạng hoá từ thị trường đến sản phẩm để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Vì vậy, theo chuyên gia cần đàm phán không chỉ với Mỹ và còn có các đối tác liên quan khác về các vấn đề xuất xứ hàng hoá để thích ứng tốt với những chính sách tiêu cực từ Chính quyền ông Trump.

chọn
ĐHĐCĐ Lideco: Sáp nhập tỉnh thành sẽ không ảnh hưởng đến các dự án bất động sản, đang lỗ chứng khoán sau khi Mỹ áp thuế
Ban lãnh đạo Lideco cho biết tại thời điểm trước khi Mỹ áp thuế, danh mục chứng khoán của doanh nghiệp có lãi, song hiện nay đang lỗ khoảng 7 tỷ. Trong 5 năm tới, Lideco vẫn sẽ xoay quanh bất động sản, nhưng khó xác định được định hướng cụ thể bởi kinh doanh bất động sản hiện rất khó khăn.